Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.
***
“Người đời này chỉ biết mình mà không biết đến ngoài mình, chỉ biết chúng mình mà không biết đến ngoài chúng mình. Nguy ở đó!” – (Trích Trai nước Nam làm gì, Hoàng Đạo Thúy). Nhưng may quá, nước Nam không nguy bởi vẫn còn những con người như thế này.
Câu chuyện cũ mới đây đã được chương trình “Việc tử tế” phiên bản 2018 đưa lên sóng truyền hình. Trong đó nhân vật chính là chàng vũ công Đào Phi Hải, còn độc thân đã khiến nhiều người xúc động bởi việc làm đáng ngưỡng mộ của mình: Nhận nuôi 3 em nhỏ là Hào, Huy, Hiếu, đều mồ côi mẹ trong suốt 3 năm qua.
“Không biết vì sao lại làm vậy”
Ba cậu bé đã từng khiến người xem chương trình Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance) mùa thứ 4 phải nghẹn ngào vì câu chuyện của mình. Sau bài biểu diễn nhuần nhuyễn, ba em nhỏ tài năng và đáng yêu nhận được nhiều lời khen ngợi từ ban giám khảo.
Một vị giám khảo đã hỏi rằng “Bố mẹ tụi con hôm nay có mặt tại trường quay không?”. Lê Hào im lặng hồi lâu rồi trả lời: “Chỉ có bố con ở đây thôi, còn mẹ con chết rồi”. Biểu cảm ngây thơ khi nói, cùng với khuôn mặt và nụ cười hồn nhiên của cậu bé đã làm nhiều người có mặt tại trường quay không kìm được nước mắt.
Trước đó, vào năm 2013, ba cậu bé và chàng trai sẽ nhận nuôi các bé sau này từng là đối thủ trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng về vũ đạo. Trong quá trình tập luyện, Hải và nhóm nhảy của mình đã chăm sóc 3 anh em thay cho người mẹ lúc ấy đang chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính. Sau cuộc thi, cô đã không qua khỏi và ra đi vào một ngày cuối năm đó.
Thực hiện di nguyện của cô, Đào Phi Hải đã đón 3 anh em về nuôi dưỡng, hướng dẫn vũ đạo khi cậu mới chỉ là chàng thanh niên 20 tuổi. Bố của Lê Hiếu, Lê Huy và Lê Hào cũng khá khó khăn khi phải đi làm xa nhà, không thể trông nom các con và chỉ có thể gửi một ít chi phí hỗ trợ nuôi dưỡng.
Hải chia sẻ rằng anh không biết tại sao mình lại quyết định nhận nuôi những đứa trẻ không có quan hệ huyết thống với mình. Nhưng chính vì chẳng cần lý do gì rõ ràng cả, việc Hải làm mới trở nên tuyệt đẹp đến vậy: “Lúc mà em quyết định, em không suy nghĩ được gì nhiều. Em chỉ thấy trái tim mình muốn như thế nên em làm”.
Lúc mà em quyết định, em không suy nghĩ được gì nhiều. Em chỉ thấy trái tim mình muốn như thế nên em làm. (Ảnh: VTVgo)
Việc tốt vốn không cần có điều kiện để làm
Tìm hiểu thêm, người ta sẽ hiểu tấm lòng thảo thơm của chàng trai trẻ chính là được truyền dạy lại từ người mẹ của mình. Cô Thu Hồng, mẹ của Hải hàng ngày vẫn phải mưu sinh với hàng nước mía cạnh nhà. Thu nhập hàng ngày chẳng đáng là bao nhưng những đồng lẻ cô kiếm được hàng ngày, cô đều thêm vào để hỗ trợ Hải lo thêm cho cuộc sống của 4 anh em trong căn phòng 4m2.
Cô Hồng hiểu rằng: “Dù cho nghèo hay giàu thì giúp được cho mọi người dù là lạ hay người thân gì cũng vậy, có lòng nhân đạo có lòng thương người thì mình dạy con mình vậy thôi”.
Nhân đạo là cái đạo làm người, vốn là những điều đương nhiên, là con người thì phải đối với nhau như vậy. Không phải là cái cao sang, kẻ cả, ban phát lòng tốt khi bản thân có điều kiện hơn người khác.
Bên phương Tây xa xôi cũng từng có câu chuyện của một em nhỏ khiến người lớn phải giật mình mà nhìn lại bản thân. Rằng khi được mẹ truyền cảm hứng về việc làm từ thiện, tặng đồ chơi cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cô bé đã đem tặng món đồ chơi yêu thích nhất của mình chứ không phải những món đồ cũ.
Đó mới là cái lòng nhân ái (yêu người) thật sự, không tính toán thiệt hơn. Là làm cho người khác những gì mà bản thân mình cũng muốn có được. Cô bé yêu món đồ chơi đó lắm, nên nghĩ chắc hẳn các bạn khác cũng sẽ thích nó, và bé đã cho đi thứ quý giá nhất của mình. Là cho đi thứ quý giá nhất mà không cần điều kiện.
Có ý kiến cho rằng phải sống sao cho mình hạnh phúc, đầy đủ trước thì mới mang hạnh phúc lại được cho người khác. Người khôn ngoan thì phải biết ăn một miếng bánh trước khi mang cho những người khác, nếu ăn hết thì mới là ích kỷ, là không nên.
Trong một buổi tập luyện của nhóm. (Ảnh: VTVgo)
Nhưng đôi khi trong lúc chờ cho chúng ta thỏa mãn được những nhu cầu mà chúng ta cho là thiết yếu của mình, thì người đang cần sự giúp đỡ có thể đã không còn cơ hội để chờ đợi nữa. Mọi thứ có thể sẽ là quá muộn.
Nếu Hải chờ cho đến khi mình có việc làm ổn định, thu nhập khá rồi mới đón 3 em nhỏ về nuôi thì không biết sẽ có bao điều bất an, rủi ro rình rập có thể khiến cuộc sống của các em rẽ sang hướng khác.
Cái việc con người có thể làm cho nhau cho trọn đạo làm người ấy, bây giờ đã trở nên hiếm hoi hơn, đã trở thành những câu chuyện cổ tích quá đẹp. Trong khi cách đây khoảng 70 năm, trẻ em đi học lớp sơ đẳng ở bậc tiểu học đã được dạy rằng:
“Lòng nhân ái của người ta không những là chỉ việc bố thí mà thôi, vì rằng cho tiền gạo là giúp tạm người ta đỡ đói, đỡ khổ được một lúc, chứ không khỏi hẳn được sự nghèo khổ. Vậy nên người có lòng nhân ái thường hay nghĩ đến việc thiện, như là thấy ai nghèo khổ thì đỡ đần, tìm công việc cho người ta làm, hoặc cứu giúp những cô nhi, quả phụ cho người ta khỏi đói rét vất vả và có thể học hành làm lụng thành người tử tế” – (Trích Luân lý Giáo khoa Thư, Trần Trọng Kim và các tác giả khác).
Lòng Thiện vốn ai cũng có, nhưng thêm chút vị tư sẽ không còn là việc Thiện
Thời nay khi thông tin tới được với người dân nhanh chóng và phong phú hơn, rất nhiều những chương trình từ thiện hữu ích đã được nhiều người hảo tâm biết tới và đóng góp thường xuyên. Nhưng cũng lại có rất nhiều người làm việc Thiện với suy nghĩ trước tiên là để tích Đức cho cuộc sống của mình may mắn hơn. Thậm chí còn có kiểu làm từ thiện để “dọn nhà”, tống bớt đồ thừa không dùng đến đi theo cách đỡ phí phạm hơn. Rất nhiều những nơi nhận quần áo ủng hộ đã phải kêu ca rằng họ nhận được quá nhiều đồ ngủ, quần áo con, quần áo rách nát không thể đem tặng ai được.
Làm việc Thiện mà trước tiên là nghĩ đến lợi ích của bản thân, rằng như thế sẽ được thêm chút Phúc Đức, sẽ hóa giải tai ương thì đó cũng là có điều kiện, là vị tư chứ không phải vị tha, nhân ái.
Lòng Nhân theo như Khổng Tử nói thì đó là bản chất tự nhiên muốn làm điều tốt cho người khác, đối với người như cách mình muốn được đối lại. Nhân là đạo, là mệnh, là bản chất của con người, chỉ vì cuộc sống sau này khắc nghiệt, biến thiên đã làm người ta mai một đi cái lòng Nhân của mình mà thôi. Và bởi đó là thuộc tính tự nhiên, sinh ra và làm người thì phải có, nếu không có thì không xứng làm người quân tử.
Nhân là đạo, là mệnh, là bản chất của con người. (Ảnh: guu.vn)
Và chúng ta ai cũng có sẵn môt tiềm năng tự nhiên để trở nên tốt, nên thiện. “Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ” (điều nhân vốn có xa gì ta, ta muốn thì nó đến). Nhưng cũng bởi “tính tương cận, tập tương dã”, bản tính con người lúc đầu vốn rất gần nhau, nhưng chính do sự giáo dưỡng, tiếp xúc và thực tập mà dần trở nên khác nhau. Do đó cần được tu dưỡng rèn luyện và có ý thức thực hành thì Nhân trong con người mới sáng lên.
Chúng ta ai cũng có thể trở thành người tốt hơn và giúp được cho nhiều người khác tốt hơn. “Chỉ cần không oán thiên, không trách cứ người khác, có chí học tập, dưới học nhân sự, trên đạt thiên mệnh”, thì xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp. Thay vì cứ phán xét, chỉ trích những thói hư tật xấu bằng sự hằn học, bề trên.
Chúng ta hãy cùng thực hành những điều tốt đẹp mà không cần điều kiện. Không cần người khác cũng phải tốt thì ta mới tốt. Không cần phải cảm thấy mình không quá lạc lõng so với xã hội. Bởi việc tốt là để làm mà thôi, không phải để suy xét hay ngờ vực, càng chẳng phải để kể lể, ghi nhận.
Thuần Dương
dkn.tv