Theo Washinton Post, 3 tháng đầu năm, hãng đạt lợi nhuận ròng 256 triệu euro (301 triệu USD), bằng nửa cùng kỳ năm ngoái (579 triệu euro). Khi đó, lợi nhuận của hãng tăng mạnh nhờ bán công ty đóng chai Mexico - Empaque.
Doanh số bán bia tại châu Á của hãng tăng 23%. Tốc độ này tại Indonesia cũng là 2 chữ số. Heineken sở hữu thương hiệu Tiger Beer - một trong những thức uống có cồn phổ biến tại khu vực này.
Liên quan đến thông tin sản phẩm bia ăn nên làm ra nhờ Việt Nam, cách đây không lâu, theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho thấy, trong 5 năm qua, ngành có tốc độ phát triển trên 7%. Trong năm 2015 ước tính sản lượng bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng 40,72% so với năm 2010 (2,416 tỷ lít).
Trong năm 2015, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít và sản lượng nước giải khát đạt 4,8 tỷ lít. Toàn ngành nộp ngân sách 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước…
VBA cho biết, đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành đạt từ 4 - 4,25 tỷ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 - 9,2 tỷ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 - 360 triệu lít trong đó rượu sản xuất công nghiệp từ 100 đến 150 triệu lít, đưa sản lượng rượu công nghiệp chiếm tỷ lệ 50% sản lượng rượu toàn quốc.
Trước đó, vào giữa năm 2015, một báo cáo của hiệp hội này cũng cho thấy, Việt Nam xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về tiêu thụ bia, rượu bình quân, chỉ xếp sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tính về tổng thu nhập quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân/người (GDP/người) thì Việt Nam lại thua xa với các nước châu Á như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thậm chí, chỉ xếp thứ 8/10 trong cộng đồng các nước ASEAN.
Bộ Y tế từng phát đi thông báo, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Dự báo đến năm 2025, sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm. Tỷ lệ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam hiện nằm trong Top 25 của thế giới.
Thùy Dung (Tổng hợp)