Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt từ năm 2010, nhà tài trợ đã cam kết cấp vốn nhưng hiện vẫn chưa thể khởi công do chậm giải phóng mặt bằng. Đại sứ Đức cho rằng tiến độ tuyến metro số 2 hiện rất chậm.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tiếp tân Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger. Ảnh: Thiên Ngôn
Làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng sáng 27/6, ông Christian Berger - tân Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - nói rằng, thành phố tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông đô thị là chính xác và sẽ góp phần giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Đại sứ Đức cho rằng tiến độ tuyến metro số 2 (Đức là một trong 3 nhà tài trợ vốn với 313 triệu USD) hiện rất chậm. "Lãnh đạo TP HCM cùng các bộ ban ngành Trung ương nên sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án này, trong đó có các nhà đầu tư Đức", ông Christian Berger đề nghị.
Trước lời than phiền này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhìn nhận không chỉ tuyến metro số 2 của TP HCM mà hầu hết các dự án tàu điện ngầm ở Việt Nam đều chậm tiến độ.
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, ông Thăng nói còn do xây dựng metro là lĩnh vực mới nên Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong triển khai; các dự án này đều huy động nguồn vốn từ nhiều phía; trình tự, thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian do có sự điều chỉnh về tổng mức đầu tư.
"Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn chỉnh thiết kế, đàm phán với các nhà đầu tư, khẩn trương giải phóng mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đồng thời sớm kiện toàn nhân sự Ban quản lý đường sắt đô thị. Làm rõ phân cấp, ủy quyền nhiều hơn để người đứng đầu chịu trách nhiệm", ông Thăng nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cũng mong muốn các đối tác nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Đức tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành đầu tư vào giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm) của dự án tuyến metro số 2.
Lộ trình tuyến metro số 2. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, hợp vốn từ 3 nhà tài trợ gồm: 540 triệu USD từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); 313 triệu USD từ ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và 195 triệu USD từ ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Đây là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM, chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Tổng số hộ ảnh hưởng trên toàn dự án là 679 hộ dân.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM dự kiến phải tháng 7 năm tới mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến nhân sự Ban quản lý dự án Đường sắt Đô thị TP HCM. Trong sáng nay Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam làm trưởng ban.
Ông Quang sinh năm 1966, trình độ tiến sĩ ngành xây dựng, cao học ngành quản lý hành chính công, cao học quản trị doanh nghiệp. Ông Quang là người ngoài đảng và vừa trúng cử đại biểu HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, từ ngày 25/8, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Ban này "vắng" vị trí trưởng ban cho đến nay.
Thiên Ngôn, VNE