Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo (phải) và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang Trần Chí Dũng ký kết hợp đồng viện trợ ngày 26-12 - Ảnh: NGHI VŨ
Ngày 26-12, lễ ký kết hợp đồng viện trợ của Chính phủ Nhật Bản cho địa phương các tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa đã diễn ra tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở TP.HCM.
Đây là hợp đồng viện trợ thuộc Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (GGP) của Nhật Bản, với tổng trị giá 245.778 USD cho ba dự án tại các tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo khẳng định các dự án đã ký kết lần này đều mang tính cấp thiết cao.
Theo đó, tại tỉnh Kiên Giang, Chính phủ Nhật viện trợ dự án xây dựng ba cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn hai xã thuộc huyện An Biên, với tổng trị giá 83.247 USD.
Cũng theo ông Ono, việc xây dựng cầu giúp đảm bảo việc đi lại an toàn, đồng thời tạo điều kiện vận chuyển nông sản, hàng hóa, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện An Biên cũng nhận viện trợ là các trang thiết bị y tế, bao gồm một máy siêu âm Doppler màu, một máy đo chức năng hô hấp, năm máy điện tim 3 cần và một hệ thống kéo giãn cột sống lưng và cổ. Các thiết bị trên có tổng trị giá 83.416 USD.
"Các dự án chúng ta đang chuẩn bị thực hiện nhất định sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực, kịp thời và giải quyết được những nhu cầu bức thiết của người dân", ông Trần Chí Dũng, chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang, phát biểu tại buổi lễ.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang cũng là đơn vị nhận các viện trợ từ Nhật Bản cho hai dự án được viện trợ của tỉnh.
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo (phải) cùng ông Phạm Tấn Đức, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), ký kết hợp đồng viện trợ trang thiết bị y tế - Ảnh: NGHI VŨ
Tổng lãnh sự Ono cho biết Nhật Bản bên cạnh việc hợp tác thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, cũng rất chú trọng thực hiện các dự án quy mô nhỏ cấp cơ sở, vì đây là những viện trợ nhân đạo mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương.
"Trong thời gian tới, Tổng lãnh sự Nhật Bản cũng mong các địa phương tiếp tục liên hệ với chúng tôi nếu có các dự án nào mang lại lợi ích trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương", ông Ono khẳng định.
Ngoài ra, trong khuôn khổ đợt viện trợ, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cũng nhận được một máy siêu âm trị giá 79.115 USD cho các xét nghiệm bệnh lý chuyên khoa tim mạch.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Đức, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, cho biết siêu âm tim và mạch máu là một kỹ thuật cao so với một trung tâm y tế huyện, nhưng đây là nhu cầu hết sức cấp thiết, tạo điều kiện cho các đối tượng có thu nhập thấp và yếu thế trong xã hội dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến với chi phí thấp.
"Chúng tôi cam kết phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đồng thời thực hiện công tác duy tu và bảo dưỡng trang thiết bị để sử dụng lâu dài hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn", ông Đức nói.
Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (GGP) là chương trình viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.
Kể từ năm 1995 đến năm 2022, Nhật Bản đã viện trợ cho 219 dự án tại 26 tỉnh thành phía Nam Việt Nam, với tổng trị giá 17.652.694 USD, chủ yếu trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn…
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online