Nếu tính gộp cả khoản lỗ của EVN, tổng lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC quản lý chỉ đạt 89,39% kế hoạch năm - Ảnh: EVNHANOI
Thông tin trên được nêu ra trong tài liệu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), diễn ra sáng nay 20-12.
Không tính EVN, tổng lãi các tập đoàn, tổng công ty vượt xa kế hoạch
Cụ thể theo báo cáo năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC quản lý đạt hơn 1,13 triệu tỉ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn lợi nhuận trước thuế nếu không tính EVN ước đạt 53.256 tỉ đồng, bằng 166% kế hoạch đặt ra năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt 28.661 tỉ đồng, bằng 89,39% kế hoạch năm 2023, theo lãnh đạo CMSC.
Điểm tích cực được tổng kết là có tới 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 15/19 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng - tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho biết năm nay tập đoàn chịu nhiều khó khăn khi giá dầu thô, giá phân bón giảm. Chưa kể biên lợi nhuận ngành lọc dầu đi xuống, tăng trưởng kinh tế thấp dẫn đến huy động dầu khí thấp hơn khả năng sản xuất…
Dù vậy, năm 2013 tập đoàn vẫn hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Theo đó, tổng doanh thu PVN tính đến nay đạt 940.000 tỉ đồng, vượt 9.300 tỉ đồng so với năm 2022, còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 54.000 tỉ đồng.
Ông Hồ Sỹ Hùng - phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết năm 2023 có những điểm sáng về kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều đơn vị.
Ngoài kết quả tích cực từ PVN, TKV, trường hợp như Vinacafe còn có lãi sau nhiều năm thua lỗ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mà ủy ban đã giao.
Ngoài ra, có một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Ông Hồ Sỹ Hùng - phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - tại hội nghị - Ảnh: T.Đ.
Chưa kể một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.
Tăng giá điện cũng không bù đắp nổi chi phí, EVN lỗ
Báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chỉ ra năm nay có 5 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu: VRG, TKV, VEC, VNPT, Vinafor.
Ngoài ra, 3 đơn vị không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế là VRG, VEC, VNA và 3 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách nhà nước: VEC, MobiFone, Vinafood1.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn - tổng giám đốc EVN - cho biết doanh thu bán điện toàn EVN năm 2023 ước đạt 492.590 tỉ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022.
Tuy nhiên, 2023 vẫn là một năm khó khăn với EVN. Dù tập đoàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tối ưu dòng tiền, tài chính, tăng giá bán lẻ điện 2 lần (tăng 3% từ ngày 4-5 và tăng 4,5% từ ngày 9-11), nhưng vẫn không bù đắp chi phí mua điện tăng cao, theo ông Tuấn.
Kết quả, công ty mẹ EVN vẫn dự kiến lỗ 24.499 tỉ đồng năm 2023.
Lãnh đạo EVN cũng nhắc lại một số tồn tại về cung ứng điện năm nay. Cụ thể từ cuối tháng 4-2023, do một loạt nguyên nhân đã dẫn đến việc tiết giảm điện một số ngày trong tháng 6-2023 các địa phương khu vực miền Bắc.
Các vấn đề được chỉ ra như phụ tải tăng cao, nước về các hồ thủy điện rất kém, sự cố các tổ máy, thiếu than...
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online