Những 'cú sốc' nhớ đời của người ViệtChạy loạn trong tiếng súng ở Libya, "vàng mắt" vì thảm họa kép ở Nhật và bàng hoàng giữa nước Anh "máu lửa"... là những cú sốc nhớ đời của người Việt trong năm 2011.

Chạy loạn trong tiếng súng ở Libya

Giữa tháng 2/2011, khi bạo loạn ở Libya lên đến cao trào thì tất cả các nước bắt đầu sơ tán công dân của mình khỏi chảo lửa này. Lúc bấy giờ, từ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam bảo đảm an toàn cho lao động tại Libya, đồng thời khẩn trương tổ chức đưa người lao động về nước an toàn và trật tự.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao chỉ thị Cơ quan đại diện tại các nước lân cận đang có lao động Việt Nam sơ tán qua, trong đó Đại sứ khẩn trương làm việc với nước sở tại và doanh nghiệp để đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn cho lao động; đồng thời làm việc với các nước và Tổ chức Lao động Quốc tế trợ giúp đưa lao động về nước...

Những
Lao động Việt Nam tại biên giới Libya - Tunisia. Ảnh: twitpic.


Libya được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là thị trường triển khai quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động (gồm 62 huyện nghèo) bởi thị trường này có mức lương hàng đầu của khu vực Trung Đông, trong khi yêu cầu về tay nghề lại đơn giản. Lao động Việt Nam được đưa sang thị trường này từ năm 2009, nhưng đến khi xảy ra loạn lạc, có khoảng 10.000 người đang làm việc tại đây. 

Nhớ thời khắc đó, chiều 23/2/2011, giám đốc một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) có hơn 1.000 người lao động tại Libya cho biết: "Công nhân của chúng tôi ở cách xa vùng bạo động từ 40-300km, chủ sử dụng lao động đã ban lệnh cấm ra ngoài nên vấn đề về an toàn được đảm bảo. Tuy nhiên, cái lo nhất của chúng tôi hiện nay là thức ăn và nước uống cho anh em. Nếu ở vùng nông thôn thì anh em có thể ra ngoài để kiếm thức ăn, nước uống, chứ ở trung tâm thành phố, nơi xảy ra bạo động thì không thể ra được....".

 

Và thế là người người, nhà nhà trong nước cứ mòn mỏi trông ngóng thân nhân của mình; truyền thông trong nước liên tục cập nhật thông tin về tình hình ăn ở, di chuyển sang các nước lân cận lánh nạn, rồi về nước của lao động Việt Nam. Đến tối 6/3/2011, 10.330 lao động đã sơ tán khỏi Libya và sau đó, vào ngày 9/3, tất cả đều về nước an toàn.

"Việt Nam là một trong những nuớc đầu tiên, tích cực tổ chức đưa công dân về nước an toàn và hiệu quả", Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đánh giá.

"Vàng mắt" vì thảm họa kép ở Nhật

Vào tháng 3/2011, sóng thần và động đất cùng lúc "ập" vào Nhật Bản đã gây nên thảm họa kinh hoàng không chỉ cho người dân bản xứ mà cả với người nước ngoài. Đến nay, hậu quả mà nó để lại vẫn rất nghiêm trọng.

Linh, du học sinh Việt tại Tokyo, cho biết: “Ngay trong đêm đầu tiên xảy ra động đất, sinh viên toàn trường tôi đều tập trung ở khu ký túc xá, hầu như không ai ngủ được, mọi người đều có mặt tại sảnh lớn để theo dõi tin tức và an ủi nhau. Từ ngày xảy ra động đất mạnh 9.0 độ richter, tôi hầu như ở trong ký túc, không đi ra ngoài đường bởi việc đi lại ở Tokyo trong những ngày này rất khó khăn”.

Những
Một nhóm sinh viên Việt Nam ở nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Bloomberg

Ngoài khó khăn trong di chuyển, người Việt ở các tỉnh tâm chấn của động đất như Sendai, Ibaraki, Tsukuba... còn rất thiếu thốn các nhu yếu phẩm cần thiết. Một sinh viên Việt tại Tsukuba cho hay: “Bây giờ nước là thứ khan hiếm nhất ở đây. Một số siêu thị đã mở cửa trở lại nhưng lượng hàng rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu”.

Và lúc đó, để giúp đỡ những nạn nhân ở Sendai ra khỏi vùng nguy hiểm, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) đã nhanh chóng bắt liên lạc với các thành viên ở Yamagata, Niigata và xây dựng phương án di chuyển khả thi nhất từ Sendai xuống Tokyo, mô tả chi tiết trên trang web của Hội. Sau khi tới các điểm dừng, các nạn nhân có thể liên lạc với các thành viên VYSA ở địa phương nhờ giúp đỡ. Khi tới Tokyo, Hội sẽ tập trung các nguồn lực có thể, để đảm bảo chỗ ở và lương thực.

Song song với việc hướng dẫn các thành viên ra khỏi vùng bị nạn, VYSA đã lập ra danh sách thông tin người Việt Nam ở vùng bị nạn trên trang web của mình (vysajp.org). Danh sách được xây dựng nhằm nhanh chóng cập nhật tình trạng của những người ở vùng bị nạn. Đồng thời, trên trang web của mình, VYSA đã viết thư kêu gọi một đợt quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất tại các tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản. Trong thư có đoạn viết: “Mấy ngày vừa qua, chắc hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều biết đến cơn địa chấn lớn nhất trong vòng 142 năm qua đã tàn phá phía Đông Bắc Nhật Bản. Cơn địa chấn đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và hàng nghìn người thiệt mạng, mất tích. Du học sinh và thanh niên Việt Nam tại những vùng động đất và sóng thần thực sự gặp khó khăn và cần nhiều sự giúp đỡ, chia sẻ. Phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” truyền thống của dân tộc, chúng ta không thể không xúc động và muốn làm một điều gì đó để san sẻ khó khăn".

Bàng hoàng giữa nước Anh "máu lửa"

Đầu tháng 8/2011, du học sinh và cộng đồng người Việt ở Anh được một phen hoảng loạn vì Thủ đô London tràn ngập những hình ảnh bạo loạn, khói lửa, cướp bóc. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, blog cá nhân, nhiều du học sinh Việt tại Anh đã bày tỏ sự lo lắng và xáo trộn trong đời sống ở nước sở tại.

Trên trang blog Yahoo Profile, thành viên Trang Meo, du học sinh tại London - tâm điểm của tình trạng bạo loạn, chia sẻ: “London loạn thật rồi. Đêm nào cũng mất ngủ vì tiếng còi xe cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa… đủ loại kêu rầm rĩ ngoài đường phố. Trên trời thì trực thăng gầm rú. Mấy hôm nay không còn dám đi đâu nữa…”.

Những
Một tòa nhà bị đốt cháy trong bạo loạn ở London.

Không chỉ London, du học sinh Việt tại nhiều thành phố khác của Anh cũng bị tác động bởi tình trạng hỗn loạn. Trên diễn đàn Linkhay, thành viên nick DeniseLe, du học sinh tại ĐH tổng hợp Tây Anh, thành phố Bristol thuật lại: “Lan nhanh dã man luôn á, từ London xuống khu nhà em rồi. Nãy lên phố mua đồ thấy đánh nhau đập kính, đốt xe tùm lum luôn!”.

Thành viên hungmn, diễn đàn Tathy.com viết: “Bọn hôi của ở đây còn bình tĩnh xếp hàng lần lượt gỡ security tag (thiết bị chống trộm) ở quầy nữa. Tối nay, Swindon chỗ mình làm cũng đã có cảnh báo rồi, West Bromwich thì đã có biểu tình, sợ lại lan ra khắp nước thì nguy”.

Ngay cả sự bình yên của những thành phố nhỏ cũng bị phá vỡ. Từ Cambridge, thành viên Maisnow bình luận: “Em vừa nghe thấy tiếng trực thăng. Mà em đang ở xa trung tâm nên em cũng không biết tình hình như thế nào nữa. Nhưng mà Cambridge toàn người già mà trực thăng cũng bay vù vù là sao?”.

Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Lan, chủ tiệm Top Nails trong Town Hall cũng nói: "Các vụ bạo loạn trên không chỉ gây hoang mang cho bà con mà còn gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của mọi người". Trong khi đó, chị Kim Xuân, chủ cửa hàng Việt Nam Supermarket chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam - Thái kể: "Dù đám thanh niên quá khích không tấn công tiệm nhưng tình hình bất ổn thế này, cửa hàng bị thiệt hại vì số đồ tươi sống nhập khẩu không bán được...".

Bây giờ, dù "thảm họa" đã qua nhưng nhớ lại giây phút "sinh tử" đó, nhiều người Việt vẫn ngỡ ngàng, bất an và lo sợ...

Theo Baodatviet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC