Đó là một quán cà phê, cũng rất lạ, họ dùng màu hồng làm gam chủ đạo để trang trí. Ở đó rất nhiều thanh niên như cậu ngồi chơi. Hơn chục đứa, chẳng biết đâu là gái, đâu là trai, lẫn lộn tùng phèo...
Tôi có anh bạn làm nghề tư vấn tâm lý xã hội. Anh ta kể về một hiện tượng rất lạ ở lứa tuổi mới lớn đã làm tôi không tin. Câu chuyện của anh ta lạ lẫm đến mức nếu không đi cùng để chứng kiến có lẽ chẳng ai tin.
Vẫn là chuyện lẫn lộn giới tính, nhưng không phải kiểu gay thường thấy. Theo anh ta đây là hiện tượng chấn động tâm lý tạm thời, được hiểu nôm na như kiểu thay đổi tâm lý một cách kỳ quặc. Những nhà tâm lý học có lẽ chưa nghiên cứu về hiện tượng này.
Câu chuyện bắt đầu từ việc một người mẹ tìm đến trung tâm của anh ta trình bày về đứa con trai mới lớn của mình. Bà ta kể rằng, thời gian trước cậu ta phát triển bình thường, đúng là một đứa con trai, có những sở thích của con trai. Nhưng gần đây tự nhiên cậu ta thay đổi tâm tính và có nhiều hành động kỳ lạ. Ban đầu cậu ta để tóc dài, rồi nhuộm vàng hoe, tiếp nữa dùng kem dưỡng da rất kỹ lưỡng… Đến một hôm bà ta phát hoảng vì thấy cậu ấm nhà mình dùng son môi. Về trang phục cậu ấy cũng bắt đầu thích những loại quần áo diêm dúa, mềm mại, hở nhiều chỗ… đặc biệt là màu hồng.
Sự kỳ quặc này làm bà mẹ phát sợ, tưởng con trai mình chuyển thành dân gay. Nhưng không phải, cậu ta vẫn bình thường, vẫn thích bạn gái… chỉ có điều tính tình bắt đầu ưu tư, phiền muộn, hay khóc một mình. Khi tâm sự với mẹ cậu ta vẫn khăng khăng phản đối việc mình bị gay, cậu ta giải thích bây giờ kiểu đó là mốt nhất, hiện đại nhất của giới trẻ. Cậu ta thích ăn mặc như thế. Quyết không phải dân gay!
Quá tò mò về chuyện này tôi cùng anh bạn gặp “thân chủ” để tìm hiểu. Thật sững sờ trước mặt chúng tôi là một cậu thanh niên khoảng 14 tuổi, không rõ trai hay gái: da trắng, môi hồng, tóc vàng, áo lụa, quần lụa… Nhưng nói năng rất dứt khoát, thẳng thắn, rất đàn ông. Cậu ta bảo, có gì đâu mà lạ, bọn bạn em toàn thế. Chơi mãi đồ da, đồ bò đâm chán… chuyển sang chơi kiểu này cho nó "hot". Để thực chứng điều cậu ta nói, chúng tôi đề nghị được theo cậu ta đi gặp bạn bè.
Đó là một quán cà phê, cũng rất lạ, họ dùng màu hồng làm gam chủ đạo để trang trí. Ở đó rất nhiều thanh niên như cậu ngồi chơi. Hơn chục đứa, chẳng biết đâu là gái, đâu là trai, lẫn lộn tùng phèo. Đứa nào cũng tóc vàng, má phấn, bôi son; ăn mặc toàn đồ mềm mại hở hang, và đặc biệt là màu hồng. Cái gì cũng có một chút màu hồng: quần hồng, áo hồng, giày dép hồng, đồ trang sức hồng… Không biết tả như thế nào.
Anh bạn chuyên gia tâm lý của tôi cũng ngẩn tò te, chẳng biết cái đó gọi là gì. Chỉ đến khi chúng tôi chú ý tới cái màn hình TV cỡ lớn treo trên tường mới phần nào đoán ra sự kỳ quặc này. Thì ra mấy chú nhóc đang xem ca nhạc Hàn Quốc, những ca sỹ đất Hàn kia cũng giống hệt các cậu: tóc vàng, má phấn, son môi, áo mềm… nửa như con gái, nhưng không phải con gái; phần là con trai, nhưng cũng không hẳn con trai. Thì ra là vậy, cái hiện tượng này đang rất mốt ở đất Hàn, nên mấy cậu bắt chước.
Lại là bắt chước - thanh niên chúng ta toàn đi bắt chước, chẳng bao giờ nghĩ ra cái gì cho riêng mình cả. Theo anh bạn tôi, nếu xét về góc độ tâm lý học, việc bắt chước về ngoại hình chẳng có gì tai hại lắm. Nghĩa là chỉ một thời gian thì chán, họ thay đổi, mình cũng đổi thay thôi. Nhưng việc bắt chước cách ăn mặc đó, cộng với những biến động tâm lý rất phức tạp ở lứa tuổi này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm sinh lý của con người. Cụ thể là cậu “thân chủ” kia.
Suốt ngày cậu ta quanh quẩn với những đồ trang điểm, trang phục và quán cà phê màu hồng đó. Từ một cậu bé khá mạnh mẽ, bỗng nhiên trở thành yếu đuối, luôn nghĩ mình rất đáng thương.
Tai hại hơn, cậu ta luôn khẳng định cuộc sống bây giờ rất tẻ nhạt, chẳng có gì đáng quan tâm cả. Sự trống rỗng ngày càng nhiều, trừ khi cậu đến quán cà phê màu hồng gặp những người bạn cũng màu hồng. Chỉ khi đó họ mới tìm thấy niềm vui. Cuối cùng cậu nói: “… Em thấy bây giờ cái gì cũng chán, bọn em như bị bỏ rơi… Chẳng ai hiểu bọn em cả!”. Thế rồi cậu ta rơm rớm nước mắt, ngước nhìn anh chàng ca sỹ người Hàn trên TV cũng đang rên rỉ sướt mướt.
Khi tôi kể câu chuyện này với cô cháu gái, nó bảo: “Chú lạc hậu thật. Hiện tượng này người ta gọi là phong trào phi giới tính. Đang rất mốt đấy!”. Thì ra là vậy, bọn trẻ ở phố phường hình như hết việc làm, hoặc bế tắc đến nỗi sinh ra cái bệnh kỳ quặc này. Sướng quá hóa rồ mà!
Theo A.Sáng
Viettime