Có những thủ tục khiến khách hàng phải đi lại nhiều lần và "nổi đoá": Gửi bưu phẩm, phải ghi thêm chữ "Hàng vỡ không khiếu nại". Làm thủ tục rút tiền thừa kế đã có bản sao công chứng, vẫn phải trình bản chính để ngân hàng trực tiếp đối chiếu.

Hàng vỡ không được khiếu nại?

Do có việc bận không thể đi dự đám cưới một người bạn thân ở Biên Hòa, anh Mai Đức Tuyên (TP. Hồ Chí Minh) mua một máy nướng bánh mỳ gửi tặng bạn qua đường bưu điện.

Tại Bưu cục Tân Bình, khi làm thủ tục, anh Tuyên ngạc nhiên khi nhân viên bưu điện nhắc anh ghi lên giấy tờ gửi câu "hàng vỡ không khiếu nại". Thắc mắc với nhân viên, anh được giải thích: Vì đây là quy định bắt buộc trong ngành bưu điện, bưu điện chỉ nhận hàng còn việc vận chuyển thì do bên thứ ba đảm nhận nên không thể kiểm soát.

 

Anh Tuyên bức xúc: "Tôi phải chịu cước hơn 50.000 đồng cho chiếc máy chỉ nhỏ bằng cái nồi cơm điện với trọng lượng khoảng 2,5kg. Tôi đã bỏ tiền ra mua dịch vụ vận chuyển thì bên nhận cung cấp dịch vụ phải có nghĩa vụ vận chuyển tới nơi an toàn chứ. Thử tưởng tượng người nhận sẽ có cảm giác gì nếu nhận được phần quà cưới là một cái máy vỡ nát trong khi người gửi phải chịu một mức cước khá cao!".

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc này đến Bưu cục Tân Bình. Bà Huỳnh Ngọc Trinh, Trưởng Bưu cục Tân Bình trả lời: "Bưu phẩm khách hàng Tuyên gửi là hàng điện tử. Đối với các bưu phẩm vận chuyển là hàng điện tử khó bảo quản, bưu điện không có xe chuyên dụng, khi xảy ra va chạm, hỏng hóc bên trong đồ, bưu điện không thể bảo hành cho khách".

Bà Trinh giải thích thêm: "Bưu điện chỉ thu cước vận chuyển chứ không thu cước bảo hành hàng hóa. Trước khi khách hàng gửi đồ, bưu điện luôn khuyến cáo và phân tích với khách hàng, hàng điện tử có thể hỏng khi va chạm; tốt nhất với hàng điện tử khách hàng nên xách tay."

Theo bà Trinh, bưu điện đã làm hết khả năng nhưng có những sự cố ngoài tầm tay. Vậy nên, các khách hàng của bưu điện cũng phải biết chấp nhận nếu gửi đồ điện tử không may bị vỡ, hỏng hóc trên đường vận chuyển!

Đi lại đủ 3 lần mới rút được tiền ngân hàng

Tại hộp thư bảo vệ khách hàng, khách hàng V.T.H (TP. Hồ Chí Minh) phản ánh những bức xúc của mình khi thực hiện giao dịch tại Ngân hàng Á Châu (ACB) Chi nhánh Phú Lâm.

Khách hàng H. là người thừa kế số tiền tiết kiệm của con (đã mất vì tai nạn giao thông) gửi tại Ngân hàng Á Châu. Do người con đã mất còn độc thân, người được thừa kế hợp pháp là bố hoặc mẹ, và chồng bà H. đã mất nên bà là người thừa kế duy nhất.

Khi đến chi nhánh Phú Lâm làm thủ tục rút tiền thừa kế, bà H. được nhân viên đưa một mẫu đơn xác nhận (trong đó có nội dung cam kết bà là người thừa kế hợp pháp và duy nhất). Theo đó, bà làm đơn xin xác nhận (có đóng dấu) của chính quyền địa phương kèm theo các bản sao giấy tờ liên quan có công chứng (sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người mất, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với người sống là giấy khai sinh). Các bản sao đều có công chứng của UBND phường.

Tuy nhiên, sau khi đã khai theo mẫu (có xác nhận của địa phương), bà H. cho biết giấy tờ của bà bị nhân viên giao dịch sửa chữa rồi yêu cầu làm lại nhiều lần. Đến khi thủ tục chuẩn bị được hoàn tất, nhân viên lại yêu cầu bà trình bản chính các giấy tờ có liên quan để đối chiếu và viết thêm một bản cam kết khác nữa ngay tại điểm giao dịch.

Những thủ tục nực cười ở ngân hàng, bưu điện_0
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Á Châu - (Ảnh: B.D)

Bà H. bức xúc: "UBND là cấp chính quyền có toàn quyền cấp, chúng tôi đã sao y bản chính, công chứng tại đó, sao lại còn đòi hỏi bản chính để đối chiếu?".

Theo khách hàng: "Thủ tục này là thừa, vô lý làm chúng tôi mất công thêm một lần nữa. Hơn nữa, chúng tôi đã có đơn xin xác nhận theo mẫu (trong đó có nội dung cam kết) lại còn phải làm thêm một bản cam kết nữa, như vậy là trùng lặp về nội dung, không cần thiết. Không hiểu thủ tục rườm rà hay nhân viên nhiêu khê. Tôi mệt rũ sau khi hoàn tất các thủ tục". 

Chúng tôi đã chuyển phản ánh của bà H. đến Ngân hàng Á Châu Chi nhánh Phú Lâm.

Bà Vũ Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc khối vận hàng Ngân hàng Á Châu cho biết ngân hàng luôn trân trọng và rất cám ơn khách hàng đã gửi thư phản ánh, than phiền về chất lượng dịch vụ của ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Á Châu Chi nhánh Phú Lâm xin lỗi khách hàng vì sự việc đã gây cho khách hàng sự phiền lòng và hiểu nhầm không đáng có và cho biết đã nghiêm khắc phê bình nhân viên.

Đại diện Ngân hàng Á Châu đồng thời giải trình thêm về sự việc như sau:

Việc thực hiện thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm của một chủ sở hữu (đã chết) cho một người có quyền được hưởng thừa kế tài sản đương nhiên và hợp pháp, là qui định của Ngân hàng Á Châu trên cơ sở qui định của pháp luật Việt Nam. Hiện tại và trên thực tế nhân viên Ngân hàng Á Châu đã thực hiện đúng thủ tục qui định.

Việc khách hàng phải đi lại nhiều lần (3 lần) đến ngân hàng không phải do nhân viên tư vấn không đầy đủ mà là do khách hàng không tự tin khi khai quyền thừa kế, nên đã mang bản thảo đến ngân hàng để xem đã đúng, đủ chưa trước khi đi công chứng. Sau khi xem hồ sơ nhân viên ngân hàng có yêu cầu khách hàng thêm nội dung “chưa kết hôn, chưa có con (độc thân) thay vì nội dung của khách hàng viết “chưa kết hôn lần nào” để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ pháp lý.

Thủ tục giấy tờ của khách đã làm đầy đủ, tuy nhiên có một giấy chứng tử của chồng khách hàng bản sao thị thực của UBND không rõ nên vì cẩn thận nhân viên có hỏi khách hàng có bản chính không? Và khách hàng xuất trình chứ không phải là nhân viên ngân hàng cố ý gây phiền hà.

Trước giải thích này, bà H. cho biết: Như vậy là có những thủ tục mà khách hàng cho là thừa, là vô lý, khách vẫn cứ phải chấp nhận nếu muốn sử dụng dịch vụ!

Theo Việtnam.net





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC