Trận mưa lũ kỷ lục vừa qua làm người dân Vĩnh Phúc trở tay không kịp. Hàng ngàn ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị chìm dưới nước, mất trắng. Nông dân Vĩnh Phúc đang khốn cùng vì những khoản nợ trước mắt.
Dân nuôi trồng thủy sản trắng tay
Mưa lớn, lũ cuồn cuộn đổ về tràn qua hơn 4 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản, người nông dân “lực bất tòng tâm” xót xa nhìn tiền tỉ của mình trôi theo dòng lũ.
Anh Lê Trọng Tuấn (xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường) có 9ha đầm nuôi cá, chiều tối ngày 30/10 anh bắc máy nổ để sáng sớm hôm sau hút nước và đánh cá, nhưng nước chưa kịp tát thì lũ đã cuốn trôi đi 27 tấn cá của anh.
“Tất cả vốn liếng của tôi đổ vào lứa cá này, giờ mưa lũ cuốn đi tất cả. Tiền thầu đầm phải nộp cho xã là 100 triệu mà giờ tôi chẳng còn gì nữa. Tôi đã trắng tay…” - anh Tuấn xót xa.
Đến khu trang trại của người dân xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc), tất cả đều ngập trắng. Cả một biển nước mênh mông đang “vỗ sóng”, người dân thì dầm mình trong nước, lụi hụi ngăn bờ, ngăn thửa nhằm vớt vát được phần nào để trang trải cho những nợ nần tiền giống má mà họ vay lãi ngân hàng.
Ông Tạ Văn Thược (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc) than thở: “Nhà tôi có 4 mẫu đầm, ước tính lần này thu được 3-4 tấn cá, nhưng giờ thì mất hết rồi. Cá tràn ra sông, ra đồng, rõ ràng nhìn thấy người ta đang đánh cá của mình mà không thể làm gì được!”.
“Thiên tai thì khó tránh khỏi những thiệt hại về người và của, nhưng nghe dự báo thời tiết chỉ thấy nói có mưa chứ không thấy nói là mưa to ở mức độ nào nên chúng tôi có phần chủ quan… Giờ mất trắng cả trăm triệu đồng cũng chẳng biết kêu ai”, ông Thược nói.
Dân trồng lúa, hoa màu cũng kiệt quệ
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc, hiện tại toàn tỉnh có trên 20 nghìn ha hoa màu bị ngập trong lũ, trong đó có 19 nghìn ha lúa, hoa màu bị mất trắng.
Chiều qua 5/11, khi chúng tôi có mặt tại huyện Lập Thạch, trời cũng đã bắt đầu hửng nắng, lũ cũng đang rút chậm tại các con sông và trên các cánh đồng. Những thân cây ngô sẫm mầu vì ngấm nước, èo uột rủ xuống mặt nước. Ruộng ngô nhà anh Nguyễn Văn Chí bị ngập tận ngọn, sau mấy ngày ngâm trong nước thân cây ngô đã bị thối, bốc mùi.
Cầm trên tay bắp ngô thối, anh Nguyễn Văn Chí thở than: “Nông dân buồn nhất là trồng cây không được hái quả. Mưa lũ đột ngột kéo về nên 5 sào ngô nhà tôi bị ngập trắng, hi vọng cứu chữa là không còn”.
Chung cảnh ngộ với anh Chí, chị Lê Thị Lan cũng có 7 sào ngô, 2 sào khoai bị ngập úng. Chị Lan rưng rưng: “Đứa con gái lớn đã phải bỏ học để đi lên thành phố Vĩnh Yên làm ôsin, còn chồng đã ngoài ngũ tuần vẫn phải đi đổ bê tông để lấy tiềng đong gạo cho gia đình”.
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch cho biết: “Gần 100 ha ngô, khoai và hoa màu của xã bị ngập sâu trong nước lũ. Tuy hiện nay chưa có cảnh bà con thiếu đói, đứt bữa nhưng đến 2 tháng nữa cảnh thiếu lương thực là không thể tránh khỏi”.
Trao đổi với Dân trí về vấn đề hỗ trợ cho người dân sau lũ, ông Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho 9 gia đình có người bị chết 5 triệu đồng/hộ, những người bị thương nặng là 2 triệu đồng/người, hỗ trợ cho mỗi nhà bị sập đổ là 15 triệu đồng, mục tiêu của chúng tôi là không để người dân bị đói rét sau lũ.
Để hỗ trợ cho bà con nông dân ổn định tình hình sản xuất nông nghiệp, trước mắt, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quyết định trích ngân sách ra 50 tỉ đồng để hỗ trợ cho bà con nông dân. Tuy nhiên do hậu quả của lũ là khá nặng nề, để ổn định tình hình sản xuất của bà con nông dân về lâu dài, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cũng đề xuất UBND tỉnh cần có những phương án hỗ trợ để khôi phục lại tình hình sản xuất nông nghiệp.
H.Ngân - N.Quỳnh - Q.Dân