Câu hỏi này được đặt ra tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói:
“30 năm qua, tái cơ cấu nông nghiệp đã có thành công cốt lõi. Việt Nam chuyển từ nông nghiệp tự cung, tự cấp, thiếu ăn sang nông nghiệp đủ ăn và xuất khẩu tới 30 tỉ USD.
Tuy vậy, nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, năng suất thấp, đời sống thu nhập bình quân nông dân vẫn chỉ 24 triệu đồng/năm”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhận xét tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo ra nhiều cơ hội, tuy nhiên Nhà nước cần phải đóng vai trò định hướng, điều chỉnh quan hệ sản xuất để mang lại lợi ích chung cho nông dân và doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp.
“Chỉ có hài hòa trong phân chia lợi ích mới mang lại giá trị bền vững” - ông Đông nói và nhấn mạnh: “Nguồn lực tài chính có hạn, phải hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm”.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng hiện Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 30 tỉ USD giá trị nông sản, trong khi mỗi năm thế giới tiêu dùng hết 1.500 tỉ USD.
Như thế, dư địa để phát triển nông nghiệp còn rất lớn. Điều đáng lo ngại, theo TS Thành chính là việc các doanh nghiệp nông nghiệp không phối hợp được với nhau, không cùng chia sẻ lợi ích.
Cạnh đó, những hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân đôi khi không được tuân thủ một cách đàng hoàng khiến bài toán phát triển nông nghiệp còn chưa có lời giải thực sự.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thế Hà - đại diện Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Long An) cho biết:
Địa phương này hoàn toàn có thể liên kết được nông dân sản xuất. Lý do đơn giản nhất là vì cách liên kết sẽ làm cho nông dân giàu lên.
Những cải tiến về cơ khí, công nghệ, giống lúa, trái cây… đã làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và nông dân có lời nhiều hơn.
Cho rằng phải làm nông nghiệp thông minh, hiện đại hóa hệ thống thu hoạch trong nông nghiệp, ông Hà nói rằng: “Nhiều máy móc, công nghệ của Trung Quốc chúng tôi đã không sử dụng bởi máy của Việt Nam rất tốt, tại sao phải dùng máy Trung Quốc!”.
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận xét: “Chúng ta cứ nói làm nông không giàu và Việt Nam phải phát triển dịch vụ, công nghiệp nhưng Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp, không chỉ vì lợi ích của quốc gia mà còn của cả thế giới”
Theo PNO