Sau phần luận tội, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD, do đó, Viện kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo này. Còn ông Tuấn đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng...

Ngày 21/7, trong phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát đề nghị giảm 1 năm tù (so với mức đề nghị ban đầu) đối với các bị cáo: Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an 8-9 năm tù (mức đề nghị cũ là 9-10 năm tù); Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam 6 - 7 năm (mức cũ 7 - 8 năm tù); Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND Hà Nội 3 - 4 năm tù (mức cũ 4 - 5 năm tù; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản 3-4 năm tù (mức cũ 4 - 5 năm tù).

Với nhóm bị truy tố các tội đưa và môi giới hối lộ, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội bị đề nghị 5-6 năm tù (mức cũ là 6-7 năm tù).

1 Nop Khac Phuc 185 Trieu Usd Cuu Pho Giam Doc Cong An Ha Noi De Nghi Duoc Tra Lai 146 Mieng Vang

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn.

Lý do đề nghị giảm án cho ông Tuấn là sau phần luận tội, bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD. Sau khi đã khắc phục hậu quả, ông này đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng và hủy lệnh phong tỏa tài khoản có 1 tỷ đồng trong ngân hàng cho gia đình bị cáo.

Về việc luật sư bào chữa cho Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc) đề nghị trả lại 800.000 USD do bị cáo Hoàng Văn Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện kiểm sát xác định đây là tiền dùng vào việc đưa hối lộ chạy án, nên không có căn cứ trả lại.

Ngoài những cá nhân trên, cơ quan tố tụng cũng đề nghị lại mức án đối với các bị cáo: Vũ Thùy Dương, Trần Quốc Tuấn 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Bá Sơn, Tào Đức Hiệp 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trước đó, nhóm này bị đề nghị án tù giam.

Theo Viện kiểm sát, sau khi cơ quan này luận tội và đề nghị mức án, xét nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, nhân thân và thái độ khai báo, Viện kiểm sát nhận thấy cần điều chỉnh mức đề nghị án đối với một số bị cáo.

Điều này nhằm thể hiện tính khoan hồng và sự phân hóa sau vai trò, mức độ hành vi của một số cá nhân.

Tại phần đối đáp sáng nay, Viện kiểm sát lập luận các bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ là những người có chức vụ quyền hạn, được giao nhiệm vụ, công vụ nhất định. Song họ đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ là đại diện các doanh nghiệp để cấp phép chuyến bay.

2 Nop Khac Phuc 185 Trieu Usd Cuu Pho Giam Doc Cong An Ha Noi De Nghi Duoc Tra Lai 146 Mieng Vang

Hành vi đưa, nhận tiền của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài, ở thời điểm bùng phát dịch Covid-19.

Đây là giai đoạn Chính phủ yêu cầu tạm dừng cấp phép các chuyến bay thương mại do dịch Covid-19, nên doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp phép chuyến bay đưa công dân bị kẹt lại ở nước ngoài về nước.

"Các bị cáo đưa, nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì, không thể có những món quà cảm ơn có giá trị lớn và bất thường trị giá tiền tỷ như vậy", kiểm sát viên nói.

Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi nhận hối lộ buộc các doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay, dẫn đến người chịu thiệt thòi là các công dân Việt Nam bị kẹt lại ở nước ngoài do đại dịch.

Trong khi Đảng, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo các cơ quan tìm mọi cách để đưa công dân hồi hương với phương châm "không bỏ ai lại phía sau", thì các bị cáo lại trục lợi chính sách đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tạo ra cơ chế xin cho, hình thành liên minh lợi ích để kiếm tiền trên sự khó khăn, cùng cực của người dân.

"Đây là hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu và làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân trong và ngoài nước", Viện kiểm sát nhận định.

Hoàng An - Thanh Hà

Báo Tiền Phong




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC