Nhiều vấn đề về du học nghề, vừa học vừa làm được các chuyên gia nghề nghiệp ở Đức giải đáp trong buổi làm việc cùng Tập đoàn Giáo dục và Đầu tư EI vừa diễn ra tại TPHCM, kể cả thắc mắc "không nhan sắc, lại thấp bé" của nữ sinh Việt.
Nữ sinh lo "không có nhan sắc"
Nhiều học sinh, phụ huynh Việt chia sẻ lo lắng, du học nghề, vừa học vừa đi làm kiếm tiền ở tuổi 18 nơi đất khách quê người, các em có thể đối mặt với nhiều khó khăn như xung đột với doanh nghiệp, cuộc sống xa nhà, không dễ thích nghi về văn hóa...
Chuyên gia nghề nghiệp Đức trong buổi giao lưu với học sinh Việt Nam (Ảnh: Hoài An).
Một nữ sinh Việt thẳng thắn đặt câu hỏi: "Em và nhiều bạn khác không xinh đẹp, thể trạng lại thấp bé. Đây có phải là bất lợi, trở ngại khi ra nước ngoài học tập và làm việc?".
Giải đáp băn khoăn "không có nhan sắc, lại thấp bé" của nữ sinh này, GS.TS Thomas Brockmeier - Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại thành phố Halle, Đức - khẳng định: "Không có một quy định nào cấm người không có nhan sắc hay thấp bé học tập và làm việc. Đó không phải là rào cản đối với việc học tập và lao động".
Theo GS.TS Thomas Brockmeier, việc mỗi người thấy được những hạn chế của bản thân thì đó chính là lợi thế. Mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể khắc phục những hạn chế về hình thể bằng sự tự tin, rèn luyện sức khỏe, học ngoại ngữ thật tốt, trau dồi năng lực và thái độ làm việc, không ngừng nâng cao tay nghề...
Ông Herr Thomas Keindorf - Chủ tịch Phòng Thủ công mỹ nghệ thành phố Halle, Bang Sachsen Anhalt, Đức - thông tin, ở Đức có cộng đồng người Việt rất lớn, luôn sẵn sàng kết nối và hỗ trợ nhau về mọi mặt.
Hơn nữa, khi ra nước ngoài làm việc, ngoài tương tác với cộng đồng người Việt, người lao động sẽ tiếp xúc, làm việc thường xuyên với người nước ngoài. Đặc biệt, người Đức có nhiều thiện cảm với các bạn trẻ Việt Nam về tinh thần học tập, làm việc nên luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ.
Ông Klaus Dietmar Kohler - Ban cố vấn Tập đoàn EI - cho rằng, học sinh du học nghề cần có sự chuẩn bị kỹ để đáp ứng được về yêu cầu ngoại ngữ, đi cùng là sự tự tin và khả năng thích nghi.
Các nhân sự trẻ quan tâm đến nhiều vấn đề khi ra nước ngoài làm việc (Ảnh: Hoài An).
"Pháp luật ở Đức có những quy định rất chặt chẽ, các đơn vị giữa Việt Nam và Đức luôn có sự giám sát, đảm bảo về mặt pháp lý cho học sinh lao động Việt khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột với doanh nghiệp", ông Klaus Dietmar Kohler cho hay.
Nhiều ngành "lạ" thiếu nhân lực
Ông Herr Thomas Keindorf thông tin, Đức hiện đào tạo hơn 300 ngành nghề khác nhau, chỉ riêng Phòng Thủ công mỹ nghệ thành phố Halle đã quản lý gần 140 ngành, với thời gian đào tạo 3-3,5 năm.
Không chỉ có các ngành quen thuộc thường được nhắc đến như khách sạn, du lịch, nhà hàng, ông Herr Thomas Keindorf bày tỏ, còn nhiều ngành nghề trong lĩnh vực thủ công nghiệp ở Đức đang trong trình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, rất cần bổ sung với nguồn lao động đến từ Việt Nam.
Một số ngành nghề khát nhân lực có thể kể đến như công nghiệp, cơ khí, kỹ thuật viên điện công nghiệp, kỹ thuật viên điện lạnh/công nghệ sưởi ấm, vệ sinh trang thiết bị, chuyên viên bán hàng, đầu bếp...
Ông Herr Thomas Keindorf cho hay, du học nghề "kép" là một khái niệm mang tính hệ thống, thống nhất ở Đức. Đó là người học vừa học thực hành tại các doanh nghiệp vừa tiếp tục học lý thuyết tại trường dạy nghề, bằng cấp được quốc tế công nhận.
Theo các chuyên gia, người lao động cần chuẩn bị kỹ lưỡng về ngôn ngữ và khả năng thích nghi khi ra ngoài làm việc (Ảnh: Hoài An).
Người học sẽ được thực hành, được làm việc, có thu nhập tại doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu việc học. Bởi vậy, học viên vừa đi học, vừa đi làm với mức thu nhập cao, có thể gửi tiền về hỗ trợ cho gia đình không phải là chuyện lạ.
Đức là một trong những đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc người cao tuổi… Đây là thị trường có điều kiện lao động tốt, mức lương cao nhưng đến nay, lao động Việt đi Đức vẫn còn hạn chế.
Trong buổi làm việc với ông Stephan Weil - Thủ hiến bang Hạ Saxony, Đức vào cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá, Đức là thị trường có điều kiện làm việc rất tốt, thu nhập cao. Chẳng hạn như lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý ở Đức làm việc trong điều kiện rất tốt, thu nhập lên tới 3.800 Euro/tháng (khoảng 95 triệu đồng).
Lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của Đức trong nhiều lĩnh vực như y tá, điều dưỡng, phục vụ nhà hàng, khách sạn... Vậy nhưng, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc thi lấy chứng chỉ tiếng Đức trình độ B2 là rào cản lớn với ứng viên Việt có nguyện vọng sang Đức làm việc.
Trong buổi làm việc này, ông Stephan Weil cho biết, thay vì yêu cầu tiếng Đức trình độ B2 chung như hiện nay, Đức có thể xem xét giảm bớt điều kiện về trình độ tiếng Đức ở một số lĩnh vực, ngành nghề như nhà hàng, khách sạn...
Tuy nhiên, Thủ hiến bang Hạ Saxony nhấn mạnh, việc đạt được trình độ B2 tiếng Đức có lợi cho người lao động trong việc muốn định cư lâu dài ở Đức.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí