Nước mắt từ tâm bãoNgồi bó gối trong căn nhà trống hoác, anh Hồ Ngọc Lâm (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nhìn mông lung ra dòng nước lũ đang vây hãm xóm làng. Gần đó là tiếng khóc thương của gia đình ông Phụng, khi đứa cháu 20 tuổi đã bị cuốn trôi trong mưa bão.

Sáng nay, bão số 9 đã đi qua, song, người dân Quảng Ngãi sẽ chẳng bao giờ quên được sự tàn phá dữ dội. Ông Lê Phụng, ở thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong, dù đã ở tuổi thất thập nhưng những gì ông chứng kiến trong cơn bão vừa qua là điều chưa từng có trong ký ức của mình.

Song hành với những mất mát, thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, nỗi đau mất đi đứa cháu vừa tròn 20 tuổi khiến ông nghẹn ngào: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tàn phá nào kinh hoàng đến như vậy. Chỉ trong phút chốc, nhà cửa, cây cối ngã đổ tứ tung, súc vật và nhiều người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ đỏ ngầu, hung tợn".

Hôm 29/9, cháu ông Phụng, anh Lê Bin vừa đi học từ Đà Nẵng về, sợ nước lũ cuốn trôi hết lúa nên đã đội mưa ra đồng vớt lúa để kiếm cái ăn..., không ngờ chính anh bị mất tích. Tiếng ơi hời của mẹ khóc con, bà nhắc cháu, khiến cả nhà càng thêm tang thương não nuột. Hàng xóm gần như nhà nào cũng bị bão tàn phá, bốc mái, có lo toan riêng nên ít người chia sẻ, nỗi đau của gia đình càng thêm quạnh quẽ.

Ngồi bó gối trong căn nhà trống hoác của mình, anh Hồ Ngọc Lâm người xã Tịnh Phong, nhìn mông lung ra dòng nước lũ đang vây hãm xóm làng. Bao nhiêu tìền của vợ chồng anh tích góp được để xây dựng căn nhà, giờ đã bị bão lũ cuốn đi. Quanh anh Lâm, nhiều đứa trẻ của bà con lối xóm ngơ ngác, chưa hiểu hết chuyện gì đã xảy ra. "Tôi đang rối bời, chẳng biết xoay sở ra sao, chỉ biết nhặt nhạnh những gì còn lại để dựng lại nhà cho con", nói xong anh lại ôm gối ngẩn ngơ.

Nước mắt từ tâm bão_0
Nhiều ngôi nhà ở Quảng Ngãi tan tành vì cơn bão. 

Hoàn cảnh của anh Lâm cũng là "mẫu số chung" cho hàng nghìn gia đình ở tỉnh Quảng Ngãi sau cơn bão số 9. Chỉ trong chốc lát, nhà cửa, hoa màu của dân đã ngập chìm trong dòng nước. Gió đánh tan tác cây trái.

Sau cơn bão dữ, đi đến đâu cũng chứng kiến cảnh xơ xác, hoang tàn. Tại trụ sở UBND huyện Sơn Tịnh, đến sáng nay, các gia đình mang theo đồ đạc, súc vật tránh bão vẫn chưa thể về nhà để dọn dẹp nhà cửa do nước lũ còn bao vây tứ phía.

Thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 đã làm 14 người chết, 3 mất tích, 24 người bị thương nặng. Mưa bão đã làm chìm 45 chiếc tàu, trong đó huyện Lý Sơn có 30 tàu, Tư Nghĩa 4 tàu, Bình Sơn 11 tàu. Có một tàu vận tải 1.500 tấn của công ty Long Hải bị chìm tại khu vực Cảng Dung Quất. Trên 5.000 nhà bị tốc mái, hư hại. Hàng trăm hoa màu bị mất trắng. Ước thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Hiện nhiều tuyến đường về các huyện bị cô lập do cây cối ngã đổ và sạt lở. Các huyện Trà Bồng, Tây Trà hầu như mất liên lạc hoàn toàn. Thành phố Quảng ngãi và các huyện đều vẫn trong tình trạng mất điện.

Hơn 160 hộ dân đến sáng nay vẫn còn bị cô lập giữa biển nước mênh mông tại huyện Bình Sơn và Nghĩa Hành. Lực lượng vũ trang đang được huy động tối đa đưa ca nô đến ứng cứu người dân, song vẫn chưa giải cứu được.

Tại cuộc họp nhanh để triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 trong sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối nhìn nhận: bão số 9 đổi hướng khá bất ngờ xuống phía Nam so với dự báo khiến người dân Quảng Ngãi không kịp trở tay. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, việc phát huy phương châm "4 tại chỗ" để đối phó với bão lũ chưa được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm đúng mức nên đã gây thiệt hại khôn lường.

Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Trương Ngọc Nhi cho biết, nước dâng quá cao, tràn qua cả đê sông Trà Bồng khiến nhiều người nghĩ rằng đê bị vỡ. Theo dự báo, đêm nay đến rạng sáng mai, nước sông tiếp tục dâng cao, vượt mức báo động 3 từ 1,7 đến 2,4 mét, đặc biệt là trên sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ.

Cũng như Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam nằm trong rốn bão nên thiệt hại hết sức nặng nề. Đến sáng nay, nước dâng cao trên quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Nam - Đà Nẵng, ngập đến 1,5 mét gây nghẽn mạch giao thông và ngập úng nhiều khu dân cư. Mức lũ này được người địa phương đáng giá là vượt mức lũ lịch sử năm 1999 và 2007 đến nửa mét.

Nước mắt từ tâm bão_1
Đến trưa ngày 30/9, các thuyền cứu hộ vẫn bơi đi khắp nơi để tìm kiếm, cứu nạn người dân vùng lũ Quảng Ngãi. 

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho hay, mức nước dâng cao rất nhanh từ đêm qua đến sáng nay. Nhiều nơi nước ngập sâu đến hơn 1,5 mét. Đặc biệt quốc lộ 1A nước lũ dâng khiến nhiều chuyến xe bị ách tắc. Cảnh sát giao thông tỉnh đã được huy động để đảm bảo trật tự, đồng thời ngăn xe đánh liều vượt lũ.

Cũng theo ông Quang, các địa phương như Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, nước dâng ngập toàn bộ khu dân cư và đường sá. Nơi thấp nhất cũng bị ngập khoảng nửa mét. Nhiều nơi bị cô lập.

"Tại các huyện nằm ở phía nam của tỉnh, nước đã rút bớt nhưng sự tàn phá để lại cực lớn. Nhiều công trình đang chìm trong nước và công tác khắc phục thiệt hại đang đặt lên hàng đầu nên chúng tôi chưa thể tính được thiệt hại cụ thể là bao nhiêu", ông Quang nói.

Quảng Nam có 5 người chết, khoảng 150.000 nhà tốc mái, 20.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước và hơn 5.000 nhà sập hoàn toàn. Tỉnh đang tiếp tục khẩn trương sơ tán hàng nghìn hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ở Bình Định, bão số 9 làm 6 người tử vong, đến sáng nay vẫn chưa tìm thấy xác 3 người. Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban Phòng chống lụt bão, cho hay, trong những người xấu số có 4 vốn dân lao động đi làm trên núi không kịp nhận được thông tin bão đến. Sáng hôm 29/9, cả bốn vượt đầm trở về nhà đã bị lũ cuốn trôi. Đến nay, hai trong số họ vẫn chưa tìm được xác.

Đêm qua, gió bão tiếp tục hất văng một cụ già khi leo lên nóc nhà để chằng chống mái tôn bị thổi tốc. Một trường hợp khác đang qua đò bị nước lũ cuốn trôi chưa tìm được thi thể.

Theo ông Thiện, thống kê sơ bộ cho thấy, Bình Định thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng vì bão, bao gồm hư hại hoa màu, lúa giống, đường sá, tàu bè, nhà cửa và các công trình công cộng. Hơn 100 ngôi nhà sập hoàn toàn và hơn 2.000 nhà bị hư hỏng nhẹ. Gió lớn khiến hơn 800 tấn lúa giống chuẩn bị cho vụ mùa kế tiếp chìm trong nước lũ và 42 tàu thuyền bị chìm, 110 ha hồ tôm bị ngập, sạt lở.

"Toàn tỉnh đang tập trung công tác khắc phục hậu quả sau bão, trước mắt các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản sẽ được tỉnh ưu tiên hỗ trợ", ông Thiện cho biết.

Bà Trần Thị Xuân Thảo, 65 tuổi, ở huyện Tuy Phước bàng hoàng: "Chưa bao giờ có cơn bão nào kéo dài cả ngày như lần này; vì diễn ra ban ngày nên tôi mới chứng kiến được mức độ tàn khốc của nó ghê gớm như thế nào".

TheoVnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC