Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế được dẫn giải đến phiên tòa "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 14-7, các luật sư xét hỏi 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Người bào chữa cho bị cáo Phan Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, đặt nhiều câu hỏi với nhóm doanh nghiệp đưa hối lộ cho mình.
Chủ tịch VijaSun khai cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chi 150 triệu/chuyến bay
Ông Kiên bị cáo buộc lợi dụng vị trí của mình trong quá trình chuyển hồ sơ phê duyệt, nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỉ đồng.
"Anh Kiên thúc giục thứ trưởng đã ký, phải chuyển tiền mới có dấu"
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đào Minh Dương, chủ tịch Công ty Vijasun, khẳng định bị ông Phạm Trung Kiên ép buộc ông ta và nhiều người khác đưa tiền thì mới cấp phép chuyến bay giải cứu.
Ông Dương kể lại lần đầu gặp thư ký thứ trưởng khi lên Bộ Y tế xin tiêm vắc xin.
"Tôi nhớ từng chi tiết, anh Kiên quát anh Lê Hồng Sơn, nói to gấp rưỡi bình thường trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Anh Sơn nói như vậy cao, xin 100 triệu đồng/chuyến. Anh Kiên nói biết các doanh nghiệp đưa anh Tuấn ở Cục Xuất nhập cảnh 150 triệu đồng/chuyến nên cũng phải đưa cho anh Kiên như vậy", ông Dương khai.
Vị giám đốc khai thêm công ty của mình được cấp phép 17 "chuyến bay giải cứu" và bị ông Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến trước khi cấp phép. "Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa", bị cáo Dương bức xúc.
"Cứ 8h30, tôi đến thang máy tòa nhà Lotte là anh Kiên gọi điện. Đang dịch COVID-19, cấm nghe điện thoại trong thang máy nhưng anh Kiên gọi liên tục, tôi phải cho nhân viên nghe. Nhân viên báo lại anh Kiên muốn gặp anh và Kiên lại đòi tiền. Anh ta gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay, nói thứ trưởng đã ký rồi, anh chuyển tiền thì mới có dấu", ông Dương khai.
Cựu thư ký thứ trưởng y tế nói từng ám ảnh "chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực"
Đến phần mình, bị cáo Kiên khai lại quy trình cấp phép chuyến bay giải cứu, hồ sơ của doanh nghiệp gửi về Bộ Y tế sẽ chuyển cho Cục Y tế dự phòng tham mưu, sau đó đề xuất lên thứ trưởng Bộ Y tế thông qua Kiên làm đầu mối.
"Bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển lên thứ trưởng xét duyệt, sau đó chuyển lại cho các phòng chức năng, chứ không có nhiệm vụ chấp nhận hay từ chối", ông Kiên khai.
Ông Kiên xác nhận nội dung cáo trạng 253 lần nhận 42,6 tỉ đồng của các cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó ông nhận 13 tỉ đồng tiền mặt, số tiền còn lại được doanh nghiệp chuyển qua tài khoản của anh và mẹ vợ.
Tuy nhiên ông Kiên tiếp tục phủ nhận lời khai của các doanh nghiệp rằng mình quát tháo ép doanh nghiệp chi tiền. "Bị cáo không yêu cầu doanh nghiệp nào đưa tiền mà đều do họ chủ động liên hệ nhờ giúp đỡ", ông phân trần.
Nhắc đến tâm trạng của mình khi vụ án "chuyến bay giải cứu" bị khởi tố, giọng ông Kiên chùng xuống rưng rưng:
"Sau thời gian dài nằm viện điều trị vì COVID-19 diễn biến nặng thì tôi nhận tin báo khởi tố vụ án chuyến bay giải cứu. Tôi phải chịu sức ép nặng từ nhiều phía. Khi làm việc với cơ quan điều tra, tìm hiểu thì thấy khung hình phạt tội nhận hối lộ cao nhất đến tử hình nên tôi rất sợ, rất ám ảnh. Bị cáo từng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực".
Cuối phần trình bày, ông Kiên cho biết sau đó đã phải nhập viện Bệnh viện Bạch Mai một thời gian để điều trị dấu hiệu tâm thần.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online