Thanh tra Chính phủ đề nghị Tập đoàn xăng dầu Petrolimex chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm về xăng dầu.

Tại Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc áp dụng định mức chi phí và định mức hao hụt trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia được ban hành từ năm 2003 để giao cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty CP Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP nhiên liệu bay, ký hợp đồng thuê bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia là không phù hợp với mặt bằng chi phí hiện nay.

1 Petrolimex Vi Pham Kinh Doanh Xang Dau Nhu The Nao

Tập đoàn Petrolimex đã ủy quyền cho các công ty con thuộc tập đoàn được ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu với sản lượng gần 4,5 triệu m3 (Ảnh: Petrolimex).

Việc đó ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, không tạo động lực và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, trong khi Nhà nước chưa xây dựng được hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng gặp khó khi yêu cầu doanh nghiệp bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia riêng theo Điều 51 Luật Dự trữ quốc gia. Trách nhiệm trong việc này, theo thanh tra, thuộc về Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa thống nhất được phương án về giá xăng Ron 92 dự trữ quốc gia để chuyển đổi chủng loại xăng Ron 92 sang Ron 95 (mặt hàng xăng Ron 92 không còn là mặt hàng được nhà nước điều hành giá và hiện nay không còn sử dụng phổ biến trên thị trường).

Kết luận thanh tra cho thấy, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời nên dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp.

Nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83/2014 của Chính phủ. Đáng nói, việc này xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.

Thanh tra chỉ rõ, Công ty CP Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp ủy quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải công ty con và không được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Tập đoàn Petrolimex ủy quyền cho các công ty con thuộc tập đoàn được ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu với sản lượng gần 4,5 triệu m3. Các công ty cổ phần của Petrolimex bán tái xuất xăng dầu với sản lượng gần 6,3 triệu m3.

Thanh tra Chính phủ khẳng định việc đó vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 7 Thông tư số 38/2014 của Bộ Công Thương và khoản 3, khoản 4 Điều 9 Nghị định 83/2019 của Chính phủ.

Ngoài ra, các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu của các thương nhân phân phối khác.

Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) - Công ty con của PVOil đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PVOil trên 87.800m3 xăng dầu. Các công ty con của PVOil đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác trên 131.000m3.

Ngoài việc yêu cầu xử lý các vi phạm, Thanh tra Chính phủ đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm.

Cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát quy định về hợp đồng giao tổng đại lý, đại lý; hợp đồng mua bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối với thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý trong Thông tư 38/2014 bảo đảm chặt chẽ. Đồng thời khắc phục việc mua bán xăng dầu qua tầng nấc trung gian làm tăng chiết khấu trung gian và chi phí lưu thông.

2 Petrolimex Vi Pham Kinh Doanh Xang Dau Nhu The Nao

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 5 năm, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá lên tới 9.770 tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).

Hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ

Trong kết luận mới công khai, Thanh tra Chính phủ đánh giá việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư 38/2014 quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với trái với Nghị định 83/2014 của Chính phủ và vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều đó dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ.

"Khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau, thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau, tạo ra tầng nấc trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông, dẫn đến một phần tiền chiết khấu, chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Cơ quan này đưa ra thống kê, trong 5 năm, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá khoảng 9.770 tỷ đồng. Một thương nhân phân phối việc mua bán xăng dầu hưởng số tiền chiết khấu trên 75 tỷ đồng.

Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ,… bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu như thời gian qua.

"Đây là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế", Thanh tra Chính phủ bóc mẽ chiêu trò kinh doanh xăng dầu.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC