Sau khi ngâm với huyết bò và tẩm hóa chất, thịt lợn được biến thành thịt bò, khô bò và các loại thịt đặc sản thú rừng mà người tiêu dùng không hay biết.
Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở chế biến của ông Nguyễn Xuân Bính (tại phường 13, Quận 3, TP HCM), dùng tiểu xảo “hô biến” thịt lợn nái thành thịt bò, đặc sản thú rừng như đà điểu, nhím,..
Ông Bính thừa nhận đã mua thịt lợn từ Đồng Nai về ngâm vào dung dịch huyết bò và pha với hóa chất Metabisulfite mua tại chợ Kim Biên, “phù phép” thành thịt bò, thịt đặc sản thú rừng.
Với thủ đoạn này, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông Bính xuất ra thị trường từ 500 – 600kg, bán với giá từ 135.000 đồng tới 140.000 đồng/kg, lãi hơn 30% giá thịt mua vào.
Những tảng thịt được gọi là 'thịt bò' có nguồn gốc là... thịt lợn
Tại xưởng chế biến, cơ quan chức năng phát hiện 750kg thịt lợn đã được “phù phép” để bán ra thị trường và gần 1.300kg thịt lợn đang chờ xử lý cùng 2 túi bột hóa chất.Một cơ sở chế biến khác tại quận Bình Tân, TP HCM cũng lừa dối người tiêu dùng bằng độc chiêu biến thịt lợn thành khô bò.
Sau khi tẩm ướp hóa chất, gia vị thịt lợn được gắn “mác” khô bò rồi bán ra thị trường với giá 200.000 đồng/kg trong khi giá mua thịt lợn chỉ 60.000 đồng/kg.
Gian thương "hô biến' thị lợn thành tihị thú rừng bằng huyết và hóa chất
Chia sẻ tại tọa đàm “Ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối”, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho rằng, muốn giải quyết tốt vấn đề thực phẩm bẩn, chỉ kêu gọi trách nhiệm, lương tâm của nhà sản xuất không thì chưa đủ.
Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng.Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng An toàn thực phẩm, để tránh tình trạng hoang mang nhìn đâu cũng chỉ thấy thực phẩm bẩn, người tiêu dùng cần tỉnh táo phân biệt, không vì cơ quan chức công khai một sản phẩm sai phạm mà tẩy chay nguyên một dòng sản phẩm đó.
Cương quyết tẩy chay thực phẩm bẩn, gian dối nhưng không đánh đồng tất cả các doanh nghiệp cùng sản phẩm,...
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP HCM cho biết, metabisulfite là phụ gia dùng để làm trắng, hạn chế ôxy hóa và nấm mốc cho rau củ, quả.
Tuy nhiên, metabisulfite cũng như các chất tương tự như natri bisulfite... không được dùng cho thịt vì sẽ phá hủy hết các vitamin trong thịt, nhất là vitamin B1.
Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, nếu dùng quá liều lượng cho phép sẽ có nguy cơ gây dị ứng và lên cơn khó thở ở những người bị bệnh hen suyễn. Đối với công nhân tiếp xúc trực tiếp sẽ có nguy cơ gây kích ứng và dị ứng.
Theo VietQ