"Khớp nối đốt hầm bằng ron cao su, tuổi thọ 100 năm, nên sẽ dễ dàng chuyển động theo nếu có động ở nền đất", Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây Vương Hoàng Thanh, chủ đầu tư hầm Thủ Thiêm cho biết.
Đốt hầm Thủ Thiêm thứ nhất được nối thông với đường dẫn sáng 10/3 trong niềm vui mừng của người dân TP HCM. Là hầm dìm đầu tiên vượt sông ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á, lại nằm dưới đáy sông Sài Gòn nên nhiều người lo ngại khi có động đất hoặc các sự cố khác như neo tàu biển, hầm dìm bị ảnh hưởng.
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây Vương Hoàng Thanh trao đổi xung quanh độ an toàn của hầm Thủ Thiêm.
- Trong quá trình lai dắt và dìm đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên, theo ông công đoạn nào khó khăn và phức tạp nhất?
- Quá trình lai dắt ngày 7/3 theo dự kiến bắt đầu vào lúc 7h sáng, tuy nhiên do lúc đó dòng nước chưa thuận lợi, tốc độ dòng chảy chưa phù hợp nên phải 40 phút sau mới bắt đầu lai dắt. Công việc rất thành công, một phần là do kinh nghiệm của đội tàu kéo từ Thái Lan.
Quy trình dìm hầm khó hơn, đòi hỏi độ chính xác rất cao. Khó khăn lớn nhất là khi dìm hầm xuống sông và điều chỉnh đốt hầm lơ lửng trong nước đúng cao độ để ráp thật khớp vị trí với đường dẫn.
Chúng tôi phải mất gần 6 tiếng chỉ để điều chỉnh đốt hầm khớp vào đường dẫn, có hai khóa chốt kết hợp đường dẫn và đốt hầm. Sai số chỉ cho phép 4 mm nên chỉ cần lệch một chút là đốt hầm 27.000 tấn sẽ đè gãy khóa ngay. Lúc đó thì khắc phục sự cố vô cùng phức tạp. Rất may điều này đã không xảy ra.
- Đốt hầm đã ngâm trong nước khoảng 2 ngày trước khi nối thông với đường dẫn, rất nhiều người băn khoăn về các vết nứt trước đây. Khả năng thấm nước trong tương lai như thế nào?
- Vết nứt là vấn đề đầu tiên mà Ban quản lý dự án và tất cả mọi người nghĩ tới khi hầm được thông với đường dẫn. Chúng tôi cũng rất lo nên thở phào sau khi nối thông, chứng kiến bề mặt vách hầm khô ráo hoàn toàn, không khí trong hầm khô và không hề ẩm ướt.
Các chuyên gia khẳng định, nhà thầu Nhật đã sửa chữa các vết nứt rất tốt. Ở Australia, khi hầm Sydney đã dìm thì đi vào còn có hơi ẩm chứ không khô ráo như hầm Thủ Thiêm.
- Những khả năng sự cố nào đã được tính đến khi hầm Thủ Thiêm nằm dưới đáy sông Sài Gòn chịu tác động trực tiếp của nền địa chất ngầm, đặc biệt là nếu có động đất?
- Câu hỏi này chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều trong suốt quá trình xây dựng. Việc quan trắc nền địa chất trước khi xây hầm đã được tiến hành kỹ. Cát sẽ được bơm phía mặt dưới hầm để giữ độ ổn định nên không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Khi có động đất ở Sơn La hồi tháng 11/2009, các cấp lãnh đạo cũng băn khoăn nếu động đất xảy ra ở TP HCM thì có ảnh hưởng đến hầm Thủ Thiêm. Thật ra, đầu tiên, ở Sài Gòn xác suất động đất là rất thấp nhưng chúng tôi cũng đã tính tới khi thiết kế xây dựng. Hầm Thủ Thiêm chịu được động đất 6 độ richter, khớp nối các đốt hầm là khớp mềm bằng ron cao su nên sẽ dễ dàng chuyển động theo nếu có động ở nền đất.
- Những ron cao su nối đốt hầm tuổi thọ bao nhiêu năm so với độ bền 100 năm của hầm Thủ Thiêm, hết thời hạn có thể thay thế?
- Đây là loại ron cao su đặc biệt có tuổi thọ 100 năm, bằng tuổi thọ của hầm. Trong suốt quá trình sử dụng phải có bào dưỡng, trùng tu, đại tu. Còn sau thời hạn 100 năm, nếu muốn sử dụng tiếp cả ron cao su và hầm thì phải tính toán tiếp chứ không thể chỉ thay thế ron cao su.
- Sông Sài Gòn đoạn xây hầm là khu vực du lịch, có rất nhiều tàu thuyền hoạt động. Sau khi hầm Thủ Thiêm hoàn thành, tàu thuyền sẽ được phép neo đậu như thế nào để đảm bảo an toàn?
- Khu vực Mỹ Cảnh (gần cầu Khánh Hội) là đoạn sông trước đây chủ yếu các tàu nhỏ dùng để quay đầu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, Ban quản lý dự án đã gửi công văn khuyến cáo cảng vụ hàng hải ra thông báo không cho tàu lớn quay đầu khu vực này, đồng thời đặt bảng thông báo những vị trí được thả neo.
Tất nhiên không loại trừ những tàu cố tình vi phạm, nhưng ngay cả tàu biển lớn neo khi thả cũng cắm sâu xuống đáy sông chừng hơn 2 m, trong khi mặt trên hầm cách đáy sông là 3m. Trên nóc hầm là lớp đá bảo vệ rất an toàn.
- Những khó khăn của các công đoạn thi công hầm tiếp theo là gì?
- Khi hoàn thành công tác với đốt thứ nhất, nhà thầu, tư vấn tự rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho mình để tiếp tục lai dắt - dìm các đốt tiếp theo. Kế hoạch đặt ra là mỗi tháng lai dắt - dìm một đốt. Tuy nhiên khoảng 3-4 tháng nữa là đến mùa mưa, thủy triều thất thường, vận tốc nước sẽ khác nên thời gian nào lai dắt thích hợp phải được tính toán kỹ.
- Khi hầm Thủ Thiêm vận hành xe máy sẽ lưu thông như thế nào?
- Theo thiết kế thì xe máy sẽ được lưu thông trong hầm Thủ Thiêm, nhưng vấn đề này sẽ do Sở Giao thông ra quyết định cuối cùng. Thiết kế độ dốc 4% cho hầm chính là để xe máy có thể đi được, vì cầu trong thành phố đều có độ dốc tới 5%.
Tải trọng của hầm là 30 tấn. Những loại xe nào được phép vào hầm sẽ phải tính toán kỹ, đặc biệt hạn chế xe thải khí thải quá nhiều, vì trong hầm khí thải càng ít càng tốt.
Theo VNE.