Liên quan đến việc bị can Trịnh Xuân Thanh từ Đức trở về nước, đến cơ quan điều tra đầu thú, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.

 

Ngày 17/8, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Đức sau sự kiện Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức.

"Tôi xin khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức, vì lợi ích của nhân dân 2 nước, vì hòa bình ổn định hợp tác và phát triển khu vực và thế giới", bà Hằng phát biểu.

Về diễn biến cuộc điều tra vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, người phát ngôn cho hay các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.

Quan hệ Việt - Đức sau khi Trịnh Xuân Thanh về nước - 0

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng 

Về lo ngại như thông tin phía Đức đã đưa ra trong tuần trước là nước này sẽ có “biện pháp” nếu Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để xem xét sự việc, bà Hằng cho biết, đến nay chưa có thêm thông tin mới về động thái từ phía bạn.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 3/8, về thông tin cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người "bắt cóc" về Việt Nam khi đang lẩn trốn tại Đức, bà Hằng khẳng định: “Thông tin công khai đã được Bộ Công an đưa ra và được báo chí đăng tải. Theo đó, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra”.

Về thông tin ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu một tuỳ viên an ninh của Việt Nam phải rời khỏi Đức trong vòng 48h, lí do là có liên quan tới vụ "bắt cóc" một người Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.

Quan hệ Việt - Đức sau khi Trịnh Xuân Thanh về nước - 1

Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú

Ngay trong ngày, VTV1 đã dẫn đơn xin đầu thú của ông Thanh, trong đó có đoạn:

"Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".

Theo cơ quan tố tụng, trong thời gian Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng các đồng phạm Vũ Đức Thuận, nguyên Uỷ viên HĐQT, cựu Tổng GĐ PVC và 3 thuộc cấp Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng Giám đốc;Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC, đã để công ty này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự:

Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam” và các đơn vị thành viên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra ngày 15/9/2016 cũng ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng, Phạm Tiến Đạt.

Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, ngày 16/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Nguồn: Sơn Ca - Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC