Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn chip Nvidia Jensen Huang (giữa) chụp ảnh cùng các nhân viên và bạn đi cùng tại Cafe Giảng ở Hà Nội vào tháng 12-2023 - Ảnh: HAT
Ngày 17-12, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp chuyên đề "Ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số" với sự tham dự của nhiều đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hơn 10 tham luận, bài phát biểu đã được trình bày tại cuộc họp xoáy sâu vào câu chuyện làm thế nào để quảng bá tốt hơn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như cơ chế, chính sách và cách huy động nguồn lực cho mục tiêu này.
Cách làm hay của CNN
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định phát huy sức mạnh mềm quốc gia thông qua triển khai công tác ngoại giao công chúng có vai trò hết sức quan trọng. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao văn hóa và liên tục đổi mới để tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, việc triển khai công đang đứng trước nhiều thách thức trong kỷ nguyên số. Vấn đề cơ chế, giải quyết khó khăn đã được các đại biểu nêu lên và thảo luận thẳng thắn, sôi nổi tại hội nghị.
Ông Trần Nhất Hoàng, phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kể lại câu chuyện của Việt Nam khi tham gia EXPO Dubai 2023. Đài CNN của Mỹ, khi đó đang đi tìm một câu chuyện về đổi mới sáng tạo ở triển lãm, đã đến với đoàn Việt Nam. "Chúng tôi đã mời họ ăn phở, xem nghệ thuật, nghe đàn bầu rất vui. Sau đó mới giới thiệu một đôi giày do hai sinh viên Việt Nam tại Phần Lan làm ra từ bã cà phê", ông Hoàng chia sẻ.
Ấn tượng với câu chuyện về người trẻ quan tâm đến việc tái chế, CNN đã đến Phần Lan để tìm gặp những sinh viên người Việt Nam tài năng đứng sau hãng giày Rens Orginal. Ông Hoàng được kể lại rằng việc kinh doanh của hãng đã có bước thay đổi lớn sau phóng sự của CNN.
"Câu chuyện này cho thấy thông điệp là: Chúng ta có đầy đủ câu chuyện hay của người Việt trên khắp thế giới", ông Hoàng nhấn mạnh và đặt vấn đề làm sao để kể câu chuyện Việt Nam "thật mới".
Ông Hoàng cũng cho rằng quảng bá văn hóa trong kỷ nguyên số rất khác biệt so với hình thức quảng bá trực tiếp. Theo ông, con người bị ảnh hưởng do việc chia sẻ thông tin quá nhanh, tin giả, hình ảnh không mong muốn hay ý kiến phản hồi không tích cực. Tác động của thông tin nhanh tạo ra những cảm xúc mãnh liệt, nhưng đôi khi những thông tin đó là sai và chưa được kiểm chứng.
"Hiệu ứng chuẩn hóa" trong văn hóa, nghĩa là sự chia sẻ quá nhanh, quá dễ dàng với một cộng đồng quá lớn, khiến những đặc sắc văn hóa của các nước có xu hướng bị làm mờ đi hoặc làm đơn giản đi để nó dễ được phổ biến hơn. Vì vậy, ông Hoàng kiến nghị xây dựng kho dữ liệu quốc gia với những hình ảnh và thông tin chuẩn, khi cần có thể sử dụng.
Việt Nam không thiếu nguồn lực
Ông Hoàng cũng chỉ ra một thực tế là nội dung hiện nay không chỉ được sáng tạo bởi các kênh nhà nước hay các tập đoàn truyền thông lớn, mà đang được phân bổ rất rộng rãi.
Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết hiện nay Việt Nam ước tính có khoảng 20.000 tài khoản cá nhân và kênh truyền thông lượng người theo dõi 10.000 trở lên, có những kênh lên đến vài triệu lượt theo dõi.
"Đây là một tiềm lực lớn, lực lượng này không cần ngân sách và chỉ mong được công nhận là những người làm tốt cho xã hội, đất nước, lan tỏa những điều tích cực trên không gian mạng. Khi được tham gia những vấn đề lớn của đất nước, họ rất vinh dự, sẵn sàng và sẽ mang nguồn lực của mình để tham gia", ông Lâm nêu vấn đề.
Ông lấy ví dụ như cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam" sẽ tổ chức trao giải vào ngày 19-12. Các bài dự thi hoàn toàn do người cả trong nước lẫn nước ngoài gửi đến, những tác phẩm đoạt giải hoàn toàn có thể được sử dụng để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Nhất Hoàng gợi ý nên tranh thủ các tiềm năng của những "KOL", tổ chức tham gia hoạt động này để có hiệu quả và cuối cùng là thế giới trí tuệ nhân tạo (AI).
Những kết quả trao đổi tại phiên họp sẽ được báo cáo lên Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 và tiếp thu, cụ thể hóa trong các chương trình hành động của Bộ Ngoại giao nhằm triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và đề án "Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030".
Kinh nghiệm từ Phần Lan
Tại phiên họp, các đại sứ và trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về cách triển khai ngoại giao công chúng ở nước sở tại, những khó khăn thách thức đang đặt ra cho các cơ quan đại diện trong triển khai công tác này tại địa bàn và nêu ra các đề xuất.
Chẳng hạn, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình cho biết Phần Lan có Ban xúc tiến hình ảnh quốc gia và từ năm 2017 đã công bố chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, nhấn mạnh các thế mạnh và những hình ảnh đẹp của đất nước, con người.
Bộ Ngoại giao Phần Lan cũng có một loạt công cụ để quảng bá đất nước như một trang web 8 thứ tiếng, các tài khoản mạng xã hội tiếng Anh, tiếng Nga hay kể cả mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và một ngân hàng hình ảnh về Phần Lan hoàn toàn miễn phí.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online