Quảng cáo gây náo loạn đường phốVì mải nhướn mắt nhìn vào chiếc đầu rồng múa quảng cáo trên vỉa hè, vào các cô gái mặc đồng phục cổ vũ chú sư tử mà nhiều người chẳng để ý đến tín hiệu đèn giao thông xanh đỏ.

Có người nghe tiếng còi xe bấm inh ỏi mới giật mình tăng ga xe đi tiếp. Có người đi gần đến nơi cho xe chạy chậm lại để xem chuyện gì đang xảy ra trên vỉa hè kia.

Màu sắc rực rỡ, âm thanh ầm ĩ, động tác ấn tượng… là hình ảnh tiếp thị sản phẩm vẫn xuất hiện trên đường phố Hà Nội. Mặc dù hình thức quảng cáo trên bị cấm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng nhằm mục đích tạo sự chú ý cho người đi đường.

Biểu diễn trên vỉa hè, đường phố

8h sáng ngày đầu tháng 11, phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bị ầm ĩ bởi tiếng trống sư tử. Người đi đường không thể không chú ý tới một nhóm múa sư tử với sự cổ vũ của các cô gái mặc quần soóc trắng, áo đỏ rực xếp thành hàng. Đúng giờ cao điểm, vị trí này lại nằm sát ngã tư giao cắt với phố Bà Triệu nên càng tạo được sự chú ý.

Chiếc đầu sư tử múa một hồi rồi ngừng lại để nghỉ. Một lát sau màn múa quay trở lại. Mỗi người tham gia giao thông qua đoạn phố này đều phải hướng mắt về phía âm thanh dồn dập kia, nhất là khi tín hiệu đèn giao thông báo ở đèn màu đỏ.

Vậy là, màn maketing của siêu thị hàng điện tử này đã thành công. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, họ đã chuyển thông điệp về siêu thị trực tiếp tới hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người.

Hiệu quả maketing thì thấy ngay, nhưng hình thức quảng cáo này xem ra không ổn. Vì mải nhướn mắt nhìn vào chiếc đầu rồng, vào các cô gái mặc đồng phục cổ vũ chú sư tử mà nhiều người chẳng để ý đến tín hiệu đèn giao thông xanh đỏ. Có người nghe tiếng còi xe bấm inh ỏi mới giật mình tăng ga xe đi tiếp. Có người đi gần đến nơi cho xe chạy chậm lại để xem chuyện gì đang xảy ra trên vỉa hè kia. Vậy là tình trạng ùn tắc giao thông tất nhiên xảy ra vào giờ cao điểm do người lái xe mất tập trung vào việc điều khiển và nhìn đường.

Cũng vào đầu tháng 11 này, trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội có một đoàn xe đạp hơn 10 chiếc nối đuôi nhau đi qua đi lại. Màu đỏ rực của chiếc xe đạp cắm cờ đỏ càng làm loá mắt người đi đường trong nắng chiều đầu đông.

Các cô gái trẻ đạp xe mặc đồng phục: mũ trắng, giầy trắng, áo xanh, váy kẻ ngắn, quảng cáo cho sản phẩm của một hãng điện thoại di động. Chẳng ai là không bỏ qua hình ảnh đầy ấn tượng của cả đoàn xe như thế.

Quảng cáo gây náo loạn đường phố_0

Diễu hành đoàn trên đường phố để quảng cáo.

Vậy là, đoạn phố nhỏ vốn đã chật và thường xuyên xảy ra ùn tắc càng trở nên chật chội hơn. Hình ảnh đoàn xe diễu hành để quảng cáo sản phẩm như thế cũng thường xuyên góp mặt trên các con phố ở Hà Nội.

Không chỉ quảng cáo sản phẩm bằng âm thanh, diễu hành đoàn trên phố, không ít doanh nghiệp, cửa hàng chọn cho mình hình thức tạo ấn tượng ngay tại nơi bán hàng bằng cách trưng bày sản phẩm "đập vào mắt" khách hàng.

Có thời gian, một cửa hàng điện thoại ở phố Lý Thường Kiệt trưng bày giải thưởng là chiếc ôtô mới kính coong đặt trên vỉa hè. Chiếc xe được thắt nơ ấn tượng, bên cạnh là một cô gái mặc váy ngắn, trang điểm kỹ lưỡng. Hoặc ở nhiều nơi khác, doanh nghiệp cũng sử dụng biện pháp kích cầu bằng cách treo giải thưởng mua sản phẩm ngay trên vỉa hè, trước mặt cửa hàng của mình. Băng rôn, khẩu hiệu, hàng hoá bầy chềnh ềnh, chiếm lối đi dành cho người đi bộ…

Cần xử lý kịp thời

Gây ấn tượng ngay trên đường phố bằng các màn trình diễn như đã nói ở trên đang tạo thành xu thế quảng cáo sản phẩm trong thời gian gần đây. Trước đây, một số doanh nghiệp còn cải tiến xe máy, lắp thùng kéo sau diễu hành trên đường phố, gây cản trở giao thông.

Sau khi bị chấn chỉnh, các doanh nghiệp lại tìm cách thu hút sự chú ý bằng hình ảnh ăn mặc khêu gợi của các cô gái trẻ. Hoặc, ngay tại cửa hàng, doanh nghiệp dùng âm thanh quá lớn để quảng cáo, gây ầm ĩ nơi công cộng. Đó là còn chưa kể đến kiểu phát tờ rơi quảng cáo bừa bãi gây mất mỹ quan đường phố, gây khó chịu cho người đang tham gia giao thông, ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân khu vực.

Thử hỏi, mỗi doanh nghiệp cần quảng bá sản phẩm đều chọn hình thức quảng cáo như trên thì đường phố sẽ trở thành cái gì? Cơ quan nào xử lý cho xuể? Để lập trật tự trong quảng cáo, loại trừ kiểu quảng cáo gây náo loạn đường phố cần sự ra tay kiên quyết của cơ quan quản lý văn hoá, cần có sự ràng buộc khi thành lập doanh nghiệp bằng cam kết giữ gìn văn hoá và văn minh đô thị. Quan trọng nhất chính là ý thức của doanh nghiệp.

Theo CAND online.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC