Nguyên liệu để làm hành phi phần lớn là khoai tây, hành tây đều đã thối rữa, sứt sẹo, nhiều củ khoai tây đã mọc mầm.

Hành phi được làm từ hành thối, khoai tây mọc mầm

Đường làng Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập những chuyến xe chở hành. Hành khô được sơ chế ở mọi nơi, bên lề đường hay trong những khoảng sân chật chội. Những bao tải hành được vận chuyển đến làng Thuận Quang đều được in bằng chữ Trung Quốc.

Hành đã thối rữa được xử lý trước, dùng chân giẫm lên để rửa, nhằm làm bong tróc lớp vỏ thối ra khỏi củ hành.

Rợn người công nghệ sản xuất hành phi bẩn từ khoai tây mọc mầm, hành tây thối - 0

Chủ cơ sở vừa rửa hành vừa nói với phóng viên: "Hành thối ngon, sạch sẽ hơn so với hành tây và khoai tây thối. Những quán xôi thường chỉ mua hành tây và khoai tây".

Nguyên liệu để làm hành phi phần lớn là khoai tây, hành tây đều đã thối rữa, sứt sẹo, nhiều củ khoai tây đã mọc mầm.

Những phần hư hỏng được cắt gọt, sơ chế qua loa - nhiều củ khoai vẫn còn dính đầy đất cát, không gọt vỏ. Tất cả nguyên liệu được cho vào máy để cắt ra thành những miếng nhỏ.

Sau khi vớt ra khỏi khay nước đen đục, các nguyên liệu tiếp tục được cắt thành những sợi nhỏ hơn rồi cho vào máy vắt sạch nước.

Bột phụ gia không rõ tên được trộn vào các loại hành, khoai tây. Công nhân tại xưởng cho biết: "Bột màu trắng này vào giúp khoai tây và hành tây giòn, 10kg hành dùng 1 lạng bột".

Rợn người công nghệ sản xuất hành phi bẩn từ khoai tây mọc mầm, hành tây thối - 1

Sau khi trộn bột, hành tây, hành tàu, khoai tây được đổ vào chảo. Dầu mỡ tái chế đen đặc được dùng nhiều lần để chiên các nguyên liệu, thả vào chảo dầu sôi khoảng 5 phút thì hành chín sẽ nổi lên trên.

Cách duy nhất để phân biệt chất lượng hành thành phẩm là màu dây của sợi ni lông buộc trên túi

Hành tây, hành tàu, khoai tây được chiên và đóng gói riêng. Chủ hàng sẽ trộn lẫn các loại hành với nhau theo công thức, rẻ tiền thì trộn nhiều, đắt tiền thì trộn ít.

Một chủ cơ sở cho hay: "Hành trộn với khoai tây và hành tây có giá là 23.000/kg, trộn ít người tiêu dùng khó phân biệt".

Nhìn qua những túi thành phẩm không có điểm khác biệt. Cách duy nhất để phân biệt chất lượng là màu dây của sợi ni lông buộc trên túi, hành phi Trung Quốc 65.000/kg, hành tây 35.000/kg, hành tây trộn khoai 23.000/kg.

Thôn Thuận Quang hiện có 20 cơ sở sản xuất hành phi. Hành phi sản xuất tại đây được cung cấp cho toàn bộ thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận, thậm chí xuất khẩu đi Campuchia.

Hành khô không được làm từ hành, quy trình sản xuất kém vệ sinh, mất an toàn. Hơn 10 năm qua, cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp ngăn chặn quyết liệt, hàng triệu người dân Việt Nam lại phải tiêu thụ những loại hành kém chất lượng.

Cơ sở sản xuất chống đối quyết liệt đoàn kiểm tra

Đoàn kiểm tra của phòng y tế huyện Gia Lâm tiến hành kiểm tra 1 cơ sở sản xuất hành phi ở xã Dương Xá. Tại đây, đoàn kiểm tra đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhân viên. Cách họ bao che, giấu quy trình sản xuất mất vệ sinh là che máy ảnh, đóng cửa xưởng.

Bên trong những cánh cửa xưởng đóng kín, công nhân vẫn tiếp tục làm việc bất chấp sự có mặt của đoàn kiểm tra. Ngay cả khi chủ tịch xã được mời đến hiện trường, các cơ sở khác vẫn giữ thái độ bất hợp tác.

Mất nhiều công thuyết phục, cánh cửa xưởng mới miễn cưỡng mở ra.

Dù đã được hướng dẫn về quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng quy trình sản xuất vẫn không tuân theo, nguyên liệu chính là khoai tây hư hỏng được rửa qua loa và để nguyên vỏ. Chính đơn vị hướng dẫn là phòng y tế huyện Gia Lâm cũng cho rằng việc sản xuất ở xưởng là không đảm bảo.

Rợn người công nghệ sản xuất hành phi bẩn từ khoai tây mọc mầm, hành tây thối - 2

Ảnh cắt từ video của ANTV

Bà Đặng Thị Miên, phó trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết:

"Những củ khoai thối, khoai tây mọc mầm phải loại bỏ, không đủ điều kiện. Khoai tây chưa gọt vỏ, rửa cũng không đảm bảo. Quy trình sản xuất của xưởng này chưa đảm bảo an toàn thực phẩm".

Đoàn kiểm tra cũng chưa điều tra để làm rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của bột phụ gia, mỡ bẩn, các loại hành tây, khoai tây hư hỏng được sử dụng trong quy trình sản xuất hành phi tại cơ sở sản xuất trên.

Chủ tịch xã Dương Xá cho rằng việc sản xuất mất vệ sinh chỉ diễn ra ở một vài hộ nên đã đề nghị đoàn kiểm tra đến một cơ sở khác đảm bảo vệ sinh hơn. Thế nhưng, chủ cơ sở thứ hai cũng không đồng ý và trả lời: "Hôm nay xưởng không làm việc, chị không muốn phỏng vấn".

Vẫn cứ là lời hứa từ các cơ quan chức năng...

Trước thực trạng này, lãnh đạo xã cho biết sẽ tiếp tục hướng dẫn, phổ biến trước khi có biện pháp mạnh hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thoại, chủ tịch UBND xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho biết:

"Trong quá trình sản xuất, có một số hộ gia đình chưa đảm bảo đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của phòng y tế.

Xã sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình. Nếu cơ sở sản xuất không thực hiện đúng cam kết, xã kiên quyết đóng cửa để đảm bảo uy tín của làng nghề sản xuất hành, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng".

Xã Dương Xá có gần 20 cơ sở sản xuất hành phi, hoạt động hơn 15 năm nay, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục tấn hành phi. Tuy nhiên, cả xã mới chỉ có 10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Nguồn: Trí thức trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC