Một tiểu thương có thâm niên 47 năm bán thịt lợn cho rằng, nhiều con lợn da nổi nốt xanh, đã chết trước khi mổ, nhưng thịt của chúng thay vì tiêu hủy thì vẫn đến tay người dùng.
Để biết được đường đi của loại thịt có giá rẻ như cho này, tình cờ trong một lần đi chợ, phóng viên gặp và có cuộc trò chuyện với một tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng về vấn đề thực phẩm bẩn, trong đó có việc người dân đang phải ăn heo bệnh, ăn lợn nuôi chất cấm.
Mới nghe đặt vấn đề như vậy, cô tiểu thương tên Tiêu đã phủ đầu ngay bằng một câu: “Bất nhân, vô lương tâm quá, làm ăn thế không chỉ thất đức, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ngay cả những người kinh doanh cùng mặt hàng cũng bị thiệt hại nghiêm trọng”.
Theo cô Tiêu, những người bán hàng chân chính đang rất bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bắt những đối tượng “buôn gian, bán lận” như vậy.
Là người bán thịt lợn, nhưng cô Tiêu không ngại lên án những kẻ buôn bán bất chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Cùng một khu chợ, chúng tôi bán thịt với giá 80.000 đồng/1kg, nhưng ở dưới kia họ bán 40-45.000/kg. Những người tiêu dùng thì cứ thắc mắc là sao chúng tôi bán đắt, những ai ham của rẻ thì lại xuống đó mua, nhưng họ biết đâu đó là lợn chết, lợn bệnh.
Tôi nói thật chứ thịt đó đúng ra là chỉ bỏ, chứ cho chẳng ai ăn. Họ chỉ lợi dụng để bán cho những hàng cơm bình dân, cơm hộp, cơm suất và các công nhân công trình vì lợi nhuận thì họ mua thôi.
Cô nói cháu nghe, những con lợn đó bệnh tật quá nhiều luôn, có những con trên da nổi đầy nốt, thịt đỏ au nhưng người ta vẫn đổ vào mua với số lượng lớn vì ham rẻ”, cô Tiêu nói.
Đồng thời cô Tiêu khuyến cáo: “Với 47 năm làm nghề này, tôi khuyên người dân không nên mua của những người đạp xe đi bán rong, không vì ham rẻ mà mua phải lợn chết, lợn bệnh. Mọi người thừa biết bây giờ giá cả tăng, lợn nhập tại lò vừa kiểm định xong đã 70.000/kg rồi. Thế mà họ bán có 50.000 đồng, thử hỏi giá nhập của họ là bao nhiêu, như vậy có đảm bảo không”.
Theo lời kể của người tiểu thương này, chúng tôi đến khu cuối chợ, một cảnh tưởng khác hoàn toàn so với những biển hiệu, quầy hàng ở khu vực bán thịt lợn ngay cổng vào chợ là hình ảnh các tiểu thương với tay dao, tay kéo nhanh nhảu cắt thái những miếng thịt nhợt nhạt trên một bấm bao tải đã được cắt đôi.
Không chỉ có thịt lợn, tại chợ này còn nổi tiếng với món “gà bán mâm”, theo đó những miếng ức gà, đùi gà đã chảy nước được đặt trên những chiếc mâm trắng và người bán thì có thể ngồi khắp chợ, bất kể chỗ nào đông người qua lại.
Trong vai một người mua hàng, phóng viên đặt câu hỏi về việc có người cho rằng, thịt lợn ở đây toàn thịt chết? Một anh tay vừa thái vừa nói:
“Lợn nào mổ ra chẳng chết, mua thì mua không mua thì thôi, đi hàng khác”. Tiếp lời, một chị ngồi hàng bên cạnh bĩu môi: “Lợn người ta phải đi lấy từ 3 giờ sáng mới có để mang về đây mà bảo là lợn chết”.
Tất nhiên, vì quyền lợi của mình, ai cũng phải bảo vệ túi tiền, nồi cơm của gia đình mình. Nhưng qua đó để người dân luôn nâng cao ý thức cảnh giác trước những lời mời chào và đặc biệt, các chủ quán cơm bình dân, cơm hộp, cơm suất không nên vì lợi trước mắt mà đánh đổi lương tâm, đạo đức và sức khỏe khách hàng của mình như vậy.
Đối với các bà nội trợ, khi đi chợ chọn thịt cần đặc biệt lưu ý các đặc điểm: - Thịt tươi: Mặt ngoài có lớp màng khô, bề mặt hơi se lại. Ở mặt cắt của thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn, độ đàn hồi tốt (lấy ngón tay ấn vào thịt khi buông ra không để lại vết móng tay). Mỡ có màu sáng, độ chắc, có mùi thơm đặc trưng. Mặt khớp xương láng và trong, dịch hoạt trong. Tuỷ bám chặt vào thành ống tuỷ, đàn hồi. - Thịt ôi: Mặt ngoài miếng thịt bắt đầu nhớt, hoặc nhớt nhiều (tuỳ mức độ ôi), mặt cắt hơi ướt, độ dàn hồi kém (ấn ngón tay vào thịt khi buông ra còn để lại vết lõm tay). Mỡ tối màu, độ chắc giảm, có mùi ôi. Mặt khớp xương có nhiều nhớt, dịch hoạt đục. Tuỷ dễ tróc ra khỏi ống, màu sắc đã tối hoặc nâu. - Thịt lợn bệnh: Thớ thịt nhão, mỡ vàng hoà trong thớ thịt có thể có hạt trắng đục. Trong gan bầu dục có những chấm nhỏ. Bì lợn có thể có những mảng xuất huyết tròn hoặc bầu dục. Có thể bì không còn nguyên vẹn, bị khoét từng đám (do cắt bỏ ung nhọt hoặc màng xuất huyết). |
Theo Khám phá