Sinh viên khóc cười mùa nước ngậpNhững xóm trọ chìm trong nước, những bữa cơm đạm bạc, những mớ rau đắt đỏ, những lần khổ sở chờ xe bus… sinh viên Hà Nội rơi vào những tình cảnh dở khóc dở cười.

Phòng trọ chìm trong nước

 

Sau trận mưa kinh hoàng, khu nhà trọ của Nguyễn Mai Hương (ĐH KT QD) ở Giáp Nhị, Hoàng Mai nước ngập vào trong nhà gần tới đầu gối. Hương phải hì hục kê bàn ghế, gói ghém đồ đạc, chăn màn vào túi ni-lông. Tuy trời đã tạnh nhưng mực nước chưa giảm, Hương vẫn phải cố chịu đựng cảnh lụt lội này: “Chưa bao giờ mình lại phải chịu khổ thế này, nước ngập hết nhà cửa mà không có cái gì để kê lên cho cao”.

Mực nước dâng cao đến tận giường, Hương và cô bạn đành phải gửi máy tính, Tivi nhà chủ, vác ba lô đi sang nhà bạn sơ tán. Hương lo lắng: “Nước mưa lên cao thế này đi ở nhờ bạn mãi cũng không tiện, giờ biết làm thế nào?”.
 
Sinh viên khóc cười mùa nước ngập
Hương và cô bạn tranh thủ sơ tán

Khu trọ ở Thanh Xuân Bắc, của Phương Hồng (ĐH KHXH NV) chỉ cần mưa hơn một tiếng là ngập. Lần này, Hồng rơi vào hoàn cảnh khổ sở hơn. Nước ngập tràn vào nhà trong lúc Hồng đang ở quê Phú Thọ, mọi đồ đạc, sách vở trong nhà ướt sạch. “Ướt như chuột lột” mới về được tới nhà, Hồng chỉ biết ôm mặt khóc vì không cứu vớt được gì.

Không chỉ có các xóm trọ, ngay KTX sinh viên Mễ Trì cũng bị ngập toàn bộ tầng 1. Từ đường Lương Thế Vinh vào KTX lội bì bõm suốt. Thanh Sơn, đại học KHTN phải lấy ván chắn cửa nhưng nước vẫn tràn vào nhà. Sơn phải chuyển hết đồ đạc lên giường tầng 2 để tránh nước.

Sơn vẫn chưa hết lo lắng: “Sáng tỉnh dậy, nước vào tận nhà. Mình chưa bao giờ nghĩ mình rơi vào tình trạng lụt lội thế này. May mà còn thu dọn được đồ đạc không thì chết”.

Tại hầu hết các khu trọ sinh viên ở Mỹ Đình, Phùng Khoang, Triều Khúc, Tân Mai,… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Giá cả leo thang

Hai mươi nghìn một bó rau muống chỉ bằng nửa ngày thường, Thủy, sinh viên ĐH Hà Nội chóng mặt khi đi chợ: “Sáng phải dậy sớm lội nước đi chợ. Chợ thì vắng tanh chỉ có vài hàng mà không có cái gì mà mua. Hơn hai mươi nghìn một mớ rau đắt cắt cổ mà vẫn phải mua, mình nhịn rau hai ngày rồi”.

“Mặc dù đắt như vậy, nhưng rau cũng vẫn không có để mua. Một 1kg khoai tây cũng tăng 60.000/kg; cải bắp từ 30.000/cái,…Tuy đắt thế nhưng cũng phải tranh giành nhau mua mới được. Bây giờ có cái ăn là được rồi, còn giá cả phải cố bấm bụng mà chịu thôi”, Tuấn, SV ĐH Thương Mại chia sẻ.
 
Sinh viên khóc cười mùa nước ngập
20ngàn một mớ rau vẫn phải mua

“Bình thường một ngày tiền ăn chỉ mất hơn 30 nghìn, vậy mà bây giờ ngày nào cũng đi chợ hơn 60 nghìn mà thức ăn cũng chỉ có tí. Mình sợ nhất là sau trận lụt này, giá cả càng leo thang đến lúc đó sinh viên bọn mình chết đói mất”, Tuấn buồn rầu.

Mất điện, mất nước, tắc khu vệ sinh

 

Xóm trọ của Hùng, ĐH Xây dựng ở Trương Định đã bị mất điện hơn hai ngày. Buổi tối, Hùng phải bì bõm trong ánh nến. Hùng cười: “Không có điện, không tivi, Internet, không sạc pin điện thoại,…mình như bị cô lập. Mất điện, mất luôn cả nước, Hùng cũng giống như các bạn sinh viên cùng xóm trọ phải mang xô chậu ra hứng nước mưa để tắm rửa và ăn uống.

Khổ nhất ở những nhóm trọ sinh viên là khu vệ sinh. Nước ngập, nhà vệ sinh bẩn và tắc đến hãi hùng. Trang, SV ĐH Kiến trúc cho biết: “Khu vệ sinh chung của cả xóm không ai dám vào. Nước dâng lên thế này thì làm sao mà tiêu được vệ sinh, nước thải khu vệ sinh chảy ra bốc mùi kinh khủng. Mình phải cố nhắm mắt, nhắm mũi mỗi khi bước vào. Thôi giờ phải “hãm” lại chứ biết làm sao?”.
 
Sinh viên khóc cười mùa nước ngập
Khu vệ sinh bốc mùi
 
“Nhà vệ sinh xóm mình thì không thể nào mà bước vào được. Hai nhà vệ sinh chung của hơn 20 người trong xóm đã đóng cửa vì nước tràn vào ngập hết. Mọi người ai phải đi nhờ nhà hàng xóm hoặc phải dùng đến cả bô. Chưa bao giờ lại khổ thế!”, Hằng, SV ĐH Công đoàn buồn rầu kể.
 
Sinh viên khóc cười mùa nước ngập
Quần áo chưa kịp khô
 
Mưa dài ngày, kéo theo tất cả đống quần áo trên dây của sinh viên đều chưa thể nào khô. Tuyết Minh, ĐH Mở HN kêu ầm ĩ: “Nếu không nắng thì mình chẳng còn cái quần áo nào để mặc. Một đống quần áo ngâm trong chậu, trên dây phơi thì kín chỗ. Điện đóm không có để mà là quần áo. Sáng qua tưởng nắng, cả xóm mang quần áo ra phơi. Ai ngờ nhiều quá đứt cả dây ướt sạch. Đứa nào cũng lo nơm nớp không có quần áo mặc”. Minh đã có sáng kiến đi ra ngoài mặc tạm những bộ ướt còn những bộ khô thì phải giữ.

Cơm bụi đóng cửa, đói, ngộ độc

Giá cả tăng, mưa lụt, nhiều hàng cơm bình dân cho sinh viên đóng cửa. Minh, ĐH Văn Hóa mấy ngày liền phải “gặm” mì tôm. Minh cho biết: “Mọi khi vẫn ăn hàng, nhà chẳng mấy khi dự trữ cái gì, hay có xoong nồi để nấu nướng. Giờ tự nhiên bị chết đói”.

Không chịu nổi mì tôm, Minh đã phi xe ra ngoài tìm hàng cơm. Lòng vòng mấy phố liền mới có một hàng cơm sinh viên mở cửa. Minh phải chen chân mới mua được một suất hơn với giá gấp ba so với ngày bình thường.

Trần Ngọc Cường, CĐ Giao thông vận tải cũng đã phải ăn mì tôm hai ngày liền: “Nhà mình ngập nước ngang người, không thể nào ra chợ được. May mà còn mì tôm ăn dần. Hôm nay, giá một gói mì tôm đã lên 6 nghìn. Thôi ăn cầm hơi vậy. Sinh viên đứa nào cũng đói, may mà có mì tôm mà ăn là tốt rồi”.

Còn Châm, SV Học viện báo chí và tuyên truyền mặt mũi xanh xao vì vừa trải qua một trận ngộ độc kinh hoàng. Đi chợ, thấy hàng cá ở vỉa hè bán rẻ, Châm mua về nấu. Ai ngờ, cá bắt ở đường lẫn xăng và nước thải nên gây ngộ độc. Châm nôn thốc nôn tháo, may mà không phải nhập viện.

Ngập mà vui

Vui nhất mùa ngập lụt là sinh viên được bắt cá. Khu trọ của Tùng ở Triều Khúc nước ngập, cá bơi vào cửa phòng. Cả lũ con trai trong xóm hò hét nhau mang rổ ra úp cá. Cả buổi chiều, Tùng đã có một chậu cá rô phi đủ để cho bữa tối. Cả xóm trọ tụ tập nhau, rán cá uống rượu hát hò ầm ĩ.

Minh Hằng, ĐH Sư phạm khoe: “Mưa gió ngập thế này, công nhận cũng vui. Cả xóm trọ của mình tự nhiên đoàn kết hơn. Mọi người nhiệt tình giúp nhau kê bàn ghế, giường tủ. Tối thì tụ tập nhau lại dưới ngọn nến chơi bài, hát hò giao lưu. Đến bữa thì góp gạo thổi cơm chung ăn với nhau”.

Lo lắng dọn dẹp đồ đạc và bị ngập lụt quá nặng, các SV không còn nghĩ gì đến học hành. Sáng 3/11, khi đến các xóm trọ xung quanh các trường ĐH, hầu như có đến 2/3 SV nghỉ học ở nhà, vì sợ nước dâng lên cao thêm thì không xoay xở kịp.

Mải lo cho nhà cửa, xe bus thì ít chuyến, nhiều sinh viên đã tự cho mình cơ hội nghỉ học. Nhiều trường đại học, ngày thứ hai đầu tuần vắng bóng sinh viên hoặc phải thông báo nghỉ học. Lo học, giờ sinh viên đang phải lo thêm cả cảnh “sống và chiến đấu” với nước lụt.
 
Bài ảnh: Duy Khánh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC