"Bạn tôi có người 18 năm nay, năm nào cũng đi Phuket", ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group tiết lộ như vậy tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam tổ chức cách đây không lâu.
Không quá bất ngờ khi chia sẻ của ông Douglas có phần tương đồng với bức tranh chung về ngành du lịch của cả hai quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, năm 2017, Việt Nam đón kỳ lục gần 13 triệu lượt khách nước nhưng chưa đến 10% quay trở lại, trong khi tại Thái Lan, 82% lượng khách quay lại trên 2 lần.
Lý giải thành công của du lịch Thái Lan: Sự phối hợp tuyệt vời của chính phủ và người dân
Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện chính sách "Bầu trời mở", đơn giản hóa thủ tục visa để công dân các nước vào du lịch. Hiện nay, công dân của 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể sang Thái Lan du lịch mà không cần visa và ở lại tối đa 30 ngày đối với mỗi lần viếng thăm. Trong khi đó, Việt Nam cũng miễn visa nhưng chỉ cho phép khách du lịch ở tối đa 15 ngày, và chỉ có 8 nước được ở trong khoảng thời gian tối đa này.
Xác định du lịch là cả ngành công nghiệp thay vì một loại hình dịch vụ đơn thuần, chính phủ Thái Lan cũng rất "mạnh tay" chi cho quảng bá. Năm 2017, Việt Nam chỉ chi 2 triệu USD cho quảng bá du lịch thì con số này của Thái Lan lên tới 100 triệu USD, thậm chí vượt ngưỡng trung bình của nhiều quốc gia khác là 70-80 triệu USD.
Đặc biệt, người Thái cũng rất sáng tạo trong cách quảng bá. Từ vài năm trước, thay vì các khẩu hiệu truyền thống ca ngợi về đất nước, con người và ẩm thực theo cách thông thường, những nhà làm du lịch Thái Lan lại thử nghiệm một cách làm khá độc đáo, đó là tung ra những phim quảng cáo (TVC) với khẩu hiệu tiêu cực, gây sốc để thu hút người xem.
Ví dụ năm 2014, Tổng cục Du lịch Thái Lan thực hiện TVC "Tôi ghét Thái Lan", ghi lại trải nghiệm chân thực của một khách du lich từ chỗ bực tức, căm ghét tới yêu mến, cảm động. Vidieo được đăng tải và lan truyền dưới hình thức ẩn danh, khiến công chúng ngỡ như đoạn video là của một cá nhân nào đó ghi lại. Chỉ trong 3 ngày, TVC này đã ghi nhận 1 triệu lượt xem, được cộng đồng mạng không ngớt lời khen ngợi cho ý tưởng táo bạo và mới mẻ của một đơn vị nhà nước.
Hình ảnh trong TVC "I hate Thailand".
Nhưng bên cạnh yếu tố về chính sách, nhiều ý kiến đều đồng ý du lịch Thái Lan thành công nhờ yếu tố tiên quyết là con người. Ở đất nước này, từ những người bán hàng rong, xe ôm hay người phụ xe bus, anh cảnh sát, tiếp viên hàng không,..đều mỉm cười thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ khách du lịch.
Tại các khu chợ, giá bán sản phẩm cho khách trong nước và khách nước ngoài đều như nhau. Dù du khách có mua đồ, mặc cả "siết", người dân Thái vẫn nở nụ cười và nói những câu ngọt ngào, nhẹ nhàng. Ở đất nước của những nụ cười", du khách hầu như chẳng bao giờ thấy những người bán hàng cau có.
Từ câu chuyện Thái Lan nhìn về du lịch Việt Nam
Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, trong khi Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Như vậy, xét về số lượng khách, doanh thu, cũng như tỷ lệ quay lại, Việt Nam vẫn còn cách Thái Lan một khoảng rất xa.
Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam, các diễn giả đều đồng ý một trong những giải pháp để thúc đẩy du lịch Việt là cải thiện vấn đề Visa. Ông Craig Douglas lý giải nguyên nhân khiến nhiều khách quốc tế, có cả người bạn ông nhắc đến đầu bài", quay lại Thái Lan một phần vì điều kiện visa tốt hơn Việt Nam.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, vốn là người đã nhiều lần nêu quan điểm về vấn đề visa của Việt Nam cũng khẳng định visa là minh chứng cho độ cởi mở của chính sách du lịch, cần phải mở rộng đối tượng miễn phí hơn nữa.
"Tôi từng đi nói chuyện với rất nhiều người giàu Mỹ từ triệu phú đến tỷ phú, quảng bá cho du lịch Việt Nam, giới thiệu cái hay cái đẹp. Thế nhưng họ trả lời tại sao phải cần visa để vào, Thái Lan hay Singapore đâu có bắt họ xin visa. Chúng ta phải thật sự cởi mở về chính sách visa thì họ mới đến. Còn cứ bắt họ làm visa thì họ không đến đâu", ông Nam nhận định.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam.
Bên cạnh chính sách visa, để du lịch phát triển như kỳ vọng, các diễn giả nước ngoài đều cho rằng Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào hoạt động quảng bá.
Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh khuyên Việt Nam cần có nguồn ngân sách và chính sách phù hợp để tạo thương hiệu du lịch Việt, tiếp đó là quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Bởi Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch.
Một số giải pháp vĩ mô cũng được đưa ra như tăng tốc phát triển sân bay để nâng cao công suất phục vụ, làm gọn những thủ tục phức tạp, tăng trải nghiệm đạt phòng, đặt vé, cải thiện công tác điều phối giữa Chính phủ với khối tư nhân,...
Ở thời điểm hiện tại, không thế không thừa nhận du lịch Thái Lan, dù phát triển hơn Việt Nam, vẫn có những vấn đề phải đối diện như kẹt xe, khói bụi, trấn lột, lừa đảo, mại dâm… Nhưng điểm khác biệt nằm ở cách giải quyết của nhà nước cũng như thái độ bình tĩnh và hợp tác của người dân.
Một vị đại diện của cơ quan du lịch Thái Lan từng chia sẻ cách đây 2 năm rằng họ đã xây dựng riêng được một đội ngũ cảnh sát du lịch biết sử dụng ngoại ngữ. Nếu du khách bị chèo kéo, móc túi hay gặp bất cứ vấn đề gì thì có thể gọi ngay đến đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ và sẽ được giải quyết ngay. Điều này cho đến nay Việt Nam vẫn chưa làm được.
Nguồn: Trí Thức Trẻ