Trạm thu phí BOT Biên Hòa nằm trên Quốc lộ 1, đoạn thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Lê Phong
Vị trí BOT Biên Hoà
Đường tránh TP Biên Hòa (sau đó được đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp) dài hơn 12 km - Ảnh: Lê Phong
Kẹt xe kéo dài tại BOT Biên Hòa vào chiều 9-9
Một tài xế đưa tiền lẻ để qua trạm
Chiều 9-9, đông đảo tài xế từ Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương đã cùng nhau mang tiền lẻ kéo đến trạm thu phí BOT Biên Hòa, nằm tại Quốc lộ 1, huyện Trảm Bom, tỉnh Đồng Nai để phản đối vì cho rằng trạm thu phí đặt không đúng vị trí.
Lúc 16 giờ 50 phút, hơn 40 tài xế cùng mang tiền lẻ qua trạm thu phí BOT Biên Hòa. Đây là thời điểm xe chở công nhân rời các công ty nên gây kẹt xe nghiêm trọng.
20 phút sau, kẹt chiều từ TP HCM về hướng Dầu Giây lên đến hơn 2 km nên BOT Biên Hòa đã xả trạm.
Được biết, tuyến tránh TP Biên Hòa do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dài hơn 12 km, tổng vốn cùng với đoạn cải tạo 10 km Quốc lộ 1 là 1.500 tỉ đồng, được đưa vào sử dụng năm 2014.
Dù đã xả trạm hơn 20 phút nhưng BOT Biên Hòa vẫn bị ùn tắc vì lượng xe chở công nhân quá nhiều.
17 giờ 35 phút, BOT Biên Hòa thu phí lại hướng từ Bình Thuận về TP HCM
Lúc 17 giờ 50 phút cùng ngày, trạm BOT Biên Hòa chính thức thu phí trở lại. Một lần nữa, tài xế tiếp tục đưa tiền lẻ để phản đối gây ra cảnh ùn tắc chiều từ Bình Thuận về TP HCM.
Nhận thấy tình hình phức tạp, cơ quan chức năng đã đề nghị trạm BOT Biên Hòa cho xả trạm sau 5 phút kẹt xe.
Tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ thanh toán phí để phản đối sau khi trạm BOT Biên Hòa chính thức thu phí trở lại lúc 17 giờ 50 phút
Xả trạm BOT Biên Hòa sau 5 phút thu phí
Lúc 18 giờ 30 phút, trạm BOT Biên Hòa đã đóng trạm thu tiền trở lại, song trạm thu phí đã thông thoáng, không còn cảnh tài xế mang tiền lẻ để phản đối thu phí.
Trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Trảm Bom, thông tin qua thống kê sơ bộ có 35 tài xế khi qua trạm BOT đã cố tình đưa tiền lẻ, kéo dài thời gian nhằm gây ách tắc.
"Chúng tôi phối hợp các cơ quan chức năng để giải tỏa cảnh tượng ùn tắc và thời điểm tài xế đưa tiền lẻ là lúc nhiều xe chở công nhân ra về. Những người dân địa phương chạy ra xung quanh trạm đã được vận động, tuyên truyền ra về tránh gây ra đám đông không hay"- ông Đồng cho biết.
Trả lời câu hỏi, có hay không dời trạm BOT Biên Hòa về đường tránh thay vì nằm trên quốc lộ, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện địa phương chưa có kế hoạch và chỉ đang chờ Bộ GTVT thành lập Ban chỉ đạo để làm việc lại UBND tỉnh.
Trạm BOT đã thông thoáng
Trạm BOT Biên Hòa đặt 'nhầm chỗ': 'Đừng hỏi tại sao chúng tôi lại dùng tiền lẻ như Cai Lậy'Bức xúc vì sự thiếu minh bạch trong việc đặt trạm thu phí và mất tiền oan mỗi khi qua trạm, nhiều tài xế đã bàn nhau cách đối phó để lấy lại công bằng.
Anh Đào Quang Huy, tài xế xe du lịch 16 chỗ cho biết: "Từ ngày có trạm thu phí đường tránh Biên Hòa, trung bình mỗi tháng tôi tốn thêm khoảng 2 triệu tiền phí qua trạm. Bức xúc là xe tôi chạy thẳng vào Biên Hòa, chứ có đi một mét đường tránh nào đâu mà lần nào chạy cũng mất 2 lượt vé".
“Sao không bức xúc cho được, xe không có nhu cầu đi vào đường tránh nhưng phải trả phí lên đến hàng trăm nghìn đồng cho mỗi ngày lưu thông. Dân đen không biết kêu cứu đến ai, may giờ có vụ Cai Lậy thì những bất cập ở trạm này mới được chú ý.
Không sớm xử lý những bất cập thì đừng hỏi tại sao chúng tôi lại dùng tiền lẻ như Cai Lậy", anh Nguyễn Công Toàn, tài xế xe container bức xúc.
Theo Công ty Đồng Thuận, địa điểm đặt trạm được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đồng ý. Dự án được đơn vị này thực hiện gồm việc xây dựng đường tránh dài hơn 12 km và xây dựng, cải tạo nền, cải tạo mặt quốc lộ 1 với chiều dài 10 km với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 10 năm.
Vị trí trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hòa. Đồ họa: Ngọc An.
LÊ PHONG - XUÂN HOÀNG - Báo Người Lao Động