Ngày 8/3, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 31/12/2016, cả nước có 34.214 ô tô công.
Trong đó, xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, công tác chung 17.047 chiếc và xe chuyên dùng hơn 16.300 chiếc.
Ước tính phí “nuôi” ô tô công trung bình 1 năm là 320 triệu đồng/chiếc, gồm khấu hao xe, chi phí cho lái xe, xăng xe và bảo dưỡng.
Hiện, số xe công đã thanh lý là 1.105 xe.
Trong đó, các đơn vị báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, bình quân mỗi xe 46,2 triệu đồng.
Ngoài ra, còn 2.000 xe công được xác định dư thừa phải thanh lý nhưng bộ ngành, địa phương chưa báo cáo về Bộ Tài chính.
“Thời gian qua còn nhiều ý kiến nhưng đa số bộ, ngành đồng thuận khoán xe công để tiết kiệm ngân sách.
Ngoài 2 phương án Bộ Tài chính đưa ra (phương án 1 khoán thẳng 6,5 triệu đồng/tháng vào lương; phương án 2 khoán trên giá 16.000 đồng/km), nếu bộ ngành nào có phương án khác cứ đề xuất.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ trước khi hoạch định chính sách”, ông Thắng cho biết.
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến nay, xe chuyên dùng phục vụ chức danh tăng hơn 5.000 xe do việc quyết định sắm xe chức danh được giao cho thủ trưởng các đơn vị như bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh.
Dự kiến thực hiện theo đề án khoán xe chức danh từ thứ trưởng các bộ và chức vụ tương đương ở địa phương sẽ giảm được khoảng 700 ô tô.
Trả lời về băn khoăn của một số phóng viên về mức giá 16.000 đồng/km, cao hơn giá taxi thông thường, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, mức khoán này tương đương với tiêu chuẩn xe công đang sử dụng (như loại xe trị giá trên 1 tỷ đồng/chiếc).
“Việc khoán xe sẽ giảm được 1 nửa chi phí nuôi xe công (ước chừng 320 triệu đồng/năm/xe). Cả nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi.
Chúng tôi phải tính dư ra theo giá taxi hiện hành để lường trước việc sang năm nếu giá xăng tăng lên khỏi phải điều chỉnh mức phí trong dự thảo”, ông Thắng cho biết.
Với số lượng lái xe dôi dư, các đơn vị chủ động sắp xếp công việc hợp lý.
Riêng Bộ Tài chính sẽ không nhận thêm lái xe mới. Trong khi đó, số lái xe nghỉ hưu sẽ giúp giảm dần số lượng lái xe của bộ.
Theo Cục quản lý công sản, việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ - TTg còn nhiều hạn chế như xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Định mức sử dụng chưa phù hợp xảy ra cảnh chỗ thiếu, chỗ thừa.
Một số sở hiệu quả sử dụng xe công thấp. Dù cán bộ đủ hệ số được khoán xe công như hiệu trưởng trường cấp 3 nhưng ít dùng gây lãng phí.
Ngoài ra, trong các ban quản lý dự án không được sử dụng nguồn vốn vay để mua sắm xe công.
Trường hợp khi thỏa thuận cam kết vay vốn có điều khoản mua xe phải cân nhắc kinh phí duy trì xe hàng năm.
Nguồn: Báo Tiền Phong