Chiều 19-7, HĐXX TAND TP.HCM tiếp tục kiểm tra sự có mặt của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh chủ mưu.

Thất thoát 9.000 tỉ ở Ngân hàng Xây dựng: triệu tập nhiều ngân hàng - 0

Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) - chủ mưu trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng - Ảnh: Hữu Khoa

Triệu tập toàn bộ người có quyền và nghĩa vụ liên quan

Theo đó, bà Trần Ngọc Bích, người cáo trạng xác định bị mất 5.490 tỉ đồng do Phạm Công Danh rút ra khỏi ngân hàng, đã có mặt để tham dự phiên tòa.

Ngoài bà Bích, hàng loạt những người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan khác cũng có mặt tại phiên tòa như các ngân hàng: VietinBank, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Agribank…

Tuy nhiên, theo thống kê của thư ký, mới chỉ có 98 người trong tổng số hơn 156 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa.

Ngay sau phần xác nhận người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng không có mặt tại tòa trong ngày 19-7.

Cụ thể, đại diện viện kiểm sát cho rằng phải triệu tập ông Nguyễn Việt Hà (giám đốc Quỹ Lộc Việt) để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án.

Còn luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) đề nghị để đảm bảo cho quá trình xét xử, HĐXX phải yêu cầu tất cả những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại suốt phiên tòa.

Ngoài ra, luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị HĐXX và đại diện viện kiểm sát cho giải mật tất cả những kết luận và hồ sơ liên quan đến vấn đề định giá tài sản. Luật sư Hoài cho rằng đây là hồ sơ tố tụng nên không thể đóng dấu mật bởi đóng dấu mật là vi phạm nguyên tắc công bằng và công khai trong xét xử.

Rút 900 tỉ đồng qua dịch vụ ủy thác đầu tư

Ông Nguyễn Việt Hà, giám đốc Quỹ Lộc Việt, được cáo trạng xác định liên quan đến vụ rút 900 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) thông qua dịch vụ ủy thác để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.

Cáo trạng cho thấy để có tiền chăm sóc khách hàng và huy động vốn, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thanh Mai (phó tổng giám đốc VNCB) tìm mọi cách để có tiền chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh.

Thông qua mối quan hệ với Nguyễn Việt Hà, Phan Thanh Mai đề xuất phương án ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và đề xuất này được Phạm Công Danh đồng ý.

Đến tháng 5-2013, các bên đã họp bàn và thống nhất Thiên Thanh ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 2.000 tỉ đồng với phí ủy thác là 0,3% trên tổng mức vốn đầu tư vào trái phiếu của VNCB.

Thất thoát 9.000 tỉ ở Ngân hàng Xây dựng: triệu tập nhiều ngân hàng - 1

Bị cáo Phạm Công Danh - chủ mưu trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng - Ảnh: Hữu Khoa

Tuy nhiên, quy trình đầu tư của Quỹ Lộc Việt thì không cho phép 1 giao dịch vượt qua 300 tỉ đồng nên Hà đã đề nghị đầu tư cổ phiếu của 3 công ty là Công ty An Lộc, Thạch Hà và Minh Quang với mỗi công ty 300 tỉ đồng.

Sau đó, mỗi công ty này lại dùng tiền đó để mua lại cổ phiếu của Thiên Thanh với số cổ phiếu trị giá 300 tỉ đồng.

Tại thời điểm Hà đề nghị và được ông Danh cùng những đồng phạm đồng ý, cả 3 công ty kia đều chưa có hoạt động phát hành trái phiếu.

Sau khi Thiên Thanh thu được 900 tỉ đồng, số tiền này ngay lập tức được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại VNCB chi nhánh Sài Gòn.

Danh đã rút 851 tỉ đồng để trả cho nhóm Phú Mỹ, còn lại Danh rút ra để sử dụng vào việc riêng, đến nay không còn nhớ. S

ố tiền này đến nay được xác định là không có khả năng thu hồi và gây thiệt hại cho VNCB.

Theo Tuổi Trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC