Hoành tráng nhưng dư 5 mâm
Liên quan đến thông tin phát thiệp mời mừng con đỗ đại học hoành tráng như mời cưới, chiều ngày 15/8, đại diện thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) xác nhận sự việc,
"Đối với việc đỗ đại học bây giờ cũng nhảm và xưa rồi, nhà tôi có 3 người học đại học nhưng cũng chỉ thịt con gà ăn rồi bảo con cố gắng học thôi chứ không mời làng xóm, cô bác để lấy tiền mừng.
Nhà tôi cũng được mời ăn dự tiệc mừng con đỗ đại học và tôi cho vợ tôi đi, lúc về bà ấy cũng kể nhà ông Cảnh làm 20 mâm nhưng có 5 bàn không có người ngồi, có thể người được mời bận hoặc họ không đi", đại diện thôn nói.
Theo người đại diện thôn, kinh tế nhà ông Lê Thanh Cảnh (trú cùng thôn Hòa Nam 2, người phát thiệp mừng con đỗ đại học - pv) không có, đất đai không có nhiều.
"Nhà ông Cảnh mới có 1 cháu đỗ đại học, còn 2, 3 cháu nữa vẫn còn nhỏ, chưa học hết lớp 12. Việc nhà ông Cảnh phát thiệp mời mừng con đỗ đại học như vậy tôi thấy giống như làm dịch vụ.
Ví dụ như đám cưới, người dân trong làng đi mừng 200 nghìn, còn đi mừng đại học cũng phải mừng 100 nghìn trở lên, còn cỗ làm cũng như cỗ cưới. Nhà tôi đi mừng như vậy là mang danh hàng xóm, láng giềng và mang tính chất chính quyền nên cũng mừng 200 nghìn", đại diện thôn cho biết thêm.
Cận cảnh chiếc thiệp mời mừng đỗ đại học. Ảnh: Theo Đời sống
Cũng theo người đại diện này, trong thôn, xóm có người còn học lên thạc sĩ nhưng chưa tổ chức liên hoan bao giờ.
Trong khi nhà ông Cảnh mừng con đỗ đại học thì mời bạn bè xa gần, từ tỉnh khác cũng có rồi đến người nhờ ông kiện cáo hay viết nội dung ông cũng đều mời hết.
Thông điệp về giáo dục
Về việc này, cùng ngày, phóng viên liên hệ với ông Cảnh thì được biết, thực chất gia đình ông đặt 20 mâm cỗ nhưng đi được hết 16 mâm và ế 4 mâm.
"4 mâm này tôi mang về cho con cháu ăn dần. Việc tổ chức mừng con đỗ đại học này là gia đình muốn chuyển tải với con 1 thông điệp là con hãy cố gắng mà lo chuyện học hành vì bà con xa gần đều đến chúc mừng con đó.
Đây cũng là cách giáo dục con phải "uống nước nhớ nguồn" và gia đình tôi làm theo cái tâm của mình thôi", ông Cảnh nói.
Theo ông Cảnh, nhà ông sân chật và sân trường mẫu giáo cũng nghiêm cấm việc tổ chức tiệc tùng nên gia đình ông mới phải tổ chức ở nhà hàng. Hơn nữa, gia đình ông chỉ phát thiệp mời đến những người ở xa vì đây là theo phong tục, còn người trong xóm thì mời miệng.
Việc chuẩn bị cho tiệc mừng con đỗ đại học, gia đình ông chỉ làm trong 3 ngày là xong, đặt nhà hàng mỗi mâm 1 triệu cộng chi phí các khoản khác vào 1,1 triệu/mâm.
Mặc dù ế 4 mâm cỗ nhưng tiền mừng thu về so với tiền cỗ cũng không bị lỗ, ngoài ra còn lãi được 1,6 triệu.
"Có nhiều người bảo mừng con đỗ đại học nên họ không đi. Còn có thông tin về thiệp mời trên mạng là do có người ghen ăn, tức ở với gia đình nên mới bôi nhọ gia đình tôi, hơn nữa có thể do tôi làm bên chống tham ô, tham nhũng nên họ để ý.
Từ trước đến nay, trong thôn xóm chỉ có người đỗ cao đẳng. Năm ngoái, con tôi cũng đỗ 1 trường rồi nhưng gia đình không cho đi, năm nay cháu đỗ Đại học luật Lâm Đồng, gia đình mới cho đi và tổ chức tiệc như vậy", ông Cảnh nói thêm.
Như báo chí đưa tin, những ngày gần đây, tấm thiệp mời có nội dung "nhân dịp con trai chúng tôi trúng tuyển đại học" được đăng tải trên một diễn đàn nổi tiếng đã ngay lập tức trở thành chủ đề bàn tán của cư dân mạng.
Theo nội dung bức ảnh, tiệc mừng trúng tuyển đại học diễn ra ở Buôn Đôn, Đăk Lăk. Điều mà khiến mọi người chú ý ở đây là cách trình bày của chiếc thiệp không khác gì với thiệp mời cưới.
Ngay sau khi được đăng tải, hình ảnh trên nhanh chóng nhận được gần 15.000 lượt like, hơn 400 lượt chia sẻ và 1.500 bình luận. Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng, việc tổ chức liên hoan mừng đỗ đại học là một điều rất bình thường hiện nay, thế nhưng trang trọng đến mức gửi thiệp mời thì thực sự rất hiếm.
Nguồn: Thu Hoài
Báo Đất Việt