Formosa chưa được phê duyệt kế hoạch phòng ngừng sự cố hóa chất. Hôm nay 11/5 sẽ kiểm tra thêm Formosa để lấy mẫu đối chứng.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi kết thúc quá trình kiểm tra toàn diện KKT Vũng Áng, dự kiến hôm nay (ngày 11/5) sẽ có một số nhà khoa học quay lại Formosa để lấy thêm mẫu, đối chứng, kiểm tra với doanh nghiệp.
Ông Thức cho biết, từ ngày 4-7/5, đoàn kiểm tra đã tiến hành rà soát kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất xả thải ở Khu Kinh tế Vũng Áng.
Do thời gian không dài nên đoàn chỉ kịp đi khảo sát, lấy tài liệu của doanh nghiệp để điều tra, tổng hợp phân tích. Một số nhóm sẽ phải trở lại Hà Tĩnh để đối chứng với doanh nghiệp, lấy thêm mẫu phân tích, kiểm chứng thông tin. Lần này sẽ mang một số thiết bị để làm mô hình ngay tại Vũng Áng
Trạm quan trắc kiểm tra các số liệu của nước thải tại hệ thống xử lý nước thải Công ty Formosa. Ảnh: Tiền Phong
Thành phần đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhân sự của 6 bộ, 2 viện, 2 trường và 4 tỉnh. Các bộ gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương.
Hai viện là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Năng lượng Nguyên tử, hai trường gồm Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Xây dựng. Bốn địa phương là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Theo ông Tăng Thế Cường, Chánh văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến vài ngày tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Hội đồng liên ngành nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành trên.
Formosa chưa được phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Liên quan đến việc giám sát sử dụng hóa chất của Formosa, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, theo Thông tư 20/2013 quy định về biện pháp và kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp, tất cả các doanh nghiệp sử dụng hóa chất đều phải lập kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Phía Công ty Formosa đã lập một kế hoạch này và trình lên Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa phê duyệt mà yêu cầu công ty phải chỉnh sửa cho phù hợp với các quy định đã ban hành, ông Sinh cho biết.
Tại tọa đàm về “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”, ông Sinh cho hay, về mặt kỹ thuật, việc tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại sẽ gồm nhiều bước như tẩy rửa làm sạch dầu mỡ bằng axit và chất kiềm mạnh, thụ động hóa bề mặt kim loại.
Ở bước này sẽ làm sạch các oxit kim loại và phosphate hóa bề mặt để bảo vệ mặt thép và đường ống. Trong quá trình này có thể sử dụng nhiều hóa chất và chắc chắn sẽ thải ra các kim loại nặng. Về quy định thì tất cả các chất thải này phải được xử lý trước khi ra ngoài môi trường.
Khu vực xử lý bọt cho nước thải của hệ thống xử lý nước thải tại Formosa.
Đánh giá về năng lực của cơ quan theo dõi kiểm soát quản lý hiện nay chưa tốt, ông Sinh cũng cho rằng phần nhiều phụ thuộc vào ý thức của doanh nghiệp đầu tư.
Doanh nghiệp nếu đầu tư vận hành xử lý nước thải, khí thải là tốn kém nên không thể trông mong ý thức chấp hành này, vẫn diễn ra nhiều tình trạng khi có đoàn kiểm tra đến thì vận hành tốt, đi rồi thì xả trộm.
Kim Chi (Tổng hợp)