"Trung Quốc cũng thiếu chân gà, lòng mề lợn. Chân gà nướng Hà Nội có thể là hàng từ 22-40 năm trước", Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN.
Tại diễn đàn khoa học "Về vấn đề VSATTP từ việc lạm dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp" do Liên hiệp các Hội KH-KT VN tổ chức, TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã chia sẻ thông tin về những lô hàng tạm nhập- tái xuất gây nên rác bẩn thực phẩm trên thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện nay.
Người tiêu dùng Việt Nam đang bị đánh lừa bởi những lầm tưởng cố hữu. Chúng ta tưởng rằng những chân gà, lòng lợn, phụ phẩm là được "tuồn" từ Trung Quốc sang nhưng sự thật lại nằm ở chính các công ty hoạt động tạm nhập- tái xuất Việt Nam.
"Hàng thực phẩm loại này, Trung Quốc cũng hiếm. Họ cũng đi săn lùng và mua lại từ Việt Nam. Khoảng thời gian tháng 9- 10 hàng năm, gà, lợn Việt Nam đều theo chân nhau xuất ngoại sang Trung Quốc. Những số gà, lợn này phụ phẩm sẽ được tiêu thụ ngay, tiêu thụ hết chứ không thiếu lượng cầu để tồn tích lại", ông Khanh thông tin.
Xe container chở 11,3 tấn khuỷu chân giò lợn đông lạnh đã phân hủy bị cơ quan chức năng bắt giữ lại Lào Cai hôm 12/5.
Vậy số chân gà, tim lợn, lòng mề lợn nhộn nhạo khắp Việt Nam ở đâu ra?
"Các hàng phế thải tồn tích từ khoảng 22-40 năm trước từ các nước châu Mỹ như Canada, Mỹ, Brazil, Argentina... những nước vốn không tiêu thụ loại thực phẩm này lại được các doanh nghiệp Việt tạm nhập- tái xuất.
Hàng năm, phải 3 triệu tấn phụ phẩm được tạm nhập vào Việt Nam nhưng tái xuất đi đâu, số lượng bao nhiêu thì không ai biết", ông Khanh cho hay.
Vấn đề nằm ở chỗ, sản phẩm, chất lượng của những thực phẩm đông lạnh này tới đâu thì không ai kiểm soát. Thậm chí, đã từng có thời điểm, hàng tạm nhập còn không biết khi nào thì tái xuất.
Pháp luật của Việt Nam hiện cho nhập khẩu các loại thực phẩm đông lạnh chính ngạch vẫn yêu cầu cao như phụ phẩm lợn là không được phép nhập và kiểm soát được chất lượng. Cơ quan thú y, cơ quan hải quan thậm chí công an cũng tham gia.
Song các hàng tạm nhập- tái xuất không được kiểm tra chất lượng, sản phẩm, nội dung bên trong lô hàng bởi coi như những lô hàng này là tạm trú ở Việt Nam. Tiêu chuẩn không có, kiểm soát cũng không.
Hiện nay quy định là 30 ngày thì hàng phải tái xuất, lần thứ 2 tối đa tới 60 ngày thì phải tái xuất hết số lô hàng đã tạm nhập. Nhưng thực tế là chưa cơ quan chức năng nào kiểm đếm được số lượng này.
Nguy hiểm nhất và thực tế nhất là hàng phụ phẩm tạm nhập lại xuất kho tiêu thụ ngay tại nội địa.
"Những loại thịt ở các chợ được bán 10 nghìn đồng/kg đều từ những kho đông lạnh tạm nhập này mà ra", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay.
Cũng theo ông Khanh, số ít trường hợp khác khi đã xuất được sang Trung Quốc lại tiếp tục làm thủ tục tạm nhập- tái xuất về Việt Nam. Bằng chứng đã từng có thời điểm, lực lượng chức năng tại cửa khẩu Việt Nam bắt được những lô hàng nội tạng động vật hàng tấn khối lượng từ Trung Quốc "tuồn" sang Việt Nam.
Về bản chất, đó cũng chính là những lô hàng được các công ty tạm nhập- tái xuất chuyền tay qua lại. Những lô hàng trên đường vận chuyển trong nội địa bốc mùi hôi thối cũng từ đó mà ra.
Hàng được dán tem, dán mã khác, thay đổi ngày sản xuất, ngày sử dụng và tiếp tục được đi tiêu thụ. Có những lô hàng hàng chục tấn không kịp thay tem mác đã bị lực lượng chức năng bắt giữ ghi nhận có "date" đã 22 năm.
Đa số các công ty thực hiện tạm nhập- tái xuất các hàng đông lạnh đều là xuất đi Trung Quốc, mà chủ yếu lại nhập qua con đường tiểu ngạch. Khi nào nước họ đồng ý, một số xe mới được xuất qua, còn lại thì tồn ở Việt Nam và mở kho ra bán lẻ cũng lén lút các cơ quan chức năng.
Khi Trung Quốc kiểm soát và không cho nhập khẩu loại hàng này, các doanh nghiệp chuyển bán sang nội địa với giá cực rẻ, thậm chí như cho để luân chuyển hàng hóa trong kho bãi tại cảng.
"Chúng ta cứ thắc mắc hàng trong nội địa rất nhiều, thực phẩm bẩn cũng rất nhiều, đều do hàng tồn tích từ nước ngoài để lâu cả hàng chục năm và bán lại. Thực tế từ trong cuộc sống đều thấy, những phụ phẩm từ lợn, gà đều được tiêu thụ ngay tại chỗ", ông Khanh khẳng định.
Vì sao doanh nghiệp Việt lộng hành?
Doanh nghiệp được phép tạm nhập hàng đông lạnh chỉ có những điều kiện quá đỗi đơn giản: được thành lập ít nhất 2 năm, đã từng hoạt động tạm nhập- tái xuất; ký quỹ 10 tỷ đồng; có kho bãi phục vụ hàng đông lạnh.
Những điều kiện này, theo ông Khanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể "lách luật" hoặc trao đổi ngầm với nhau để qua mặt các cơ quan chức năng.
hó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói: "Khi tôi được phía Bộ Công thương trả lời, chỉ cần có 10 tỷ ký quỹ thì cho phép tạm nhập - tái xuất, tôi chất vấn ngay hai đồng chí Cục phó Cục Hải quan, họ trả lời, họ cũng dựa vào các giấy phép để cho phép tạm nhập. Vậy tôi hỏi khi nào thì họ tái xuất, câu trả lời là "Không biết". Cơ chế này là thế nào đây?".
Chân gà nướng vỉa hè có thể đã có tuổi đời tới 40 năm.
"Chúng ta, ngay tại Hà Nội đây, có những nơi hàng quán hay vỉa hè đang ăn chân gà chết từ 22- 40 năm trước", ông Khanh nói quyết liệt.
Để giải quyết trước mắt vấn đề này, ông Khanh đề nghị thanh kiểm tra các đơn vị tạm nhập trong 30 ngày thì phải xuất hết và kiểm tra nơi xuất của những lô hàng này. Yêu cầu khai báo với các cơ quan hải quan.
Bên cạnh đó, đặt ra tiêu chuẩn với hàng hóa: Động vật nguyên con có hạn 6 tháng, hàng phụ phẩm tối đa 2 tháng thì quá hạn chúng ta mới xử lý được.
Đồng thời, theo ông Khanh, phải rà soát lại các cơ chế chính sách về tạm nhập- tái xuất và tăng cường kiểm tra. Nếu không thực hiện thì có các chế tài kiểm tra và xử phạt.
Cúc Phương
Báo Đất Việt