Các cơ sở trồng và xuất khẩu chuối cho rằng việc toàn cầu khủng hoảng chuối là cơ hội để Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

 

Cơ hội của chuối Việt Nam

Căn bệnh này có tên là "bệnh Panama", khiến lá chuối vàng và héo úa.  Dịch bệnh đặc biệt ảnh hưởng đến giống chuối Cavendish mà người phương Tây đã quen dùng.  Tuy hiện nay giá chuối tại các cửa hàng thực phẩm phương Tây vẫn chưa tăng, nhưng dự báo trong thời gian tới khi Mỹ Latin bị ảnh hưởng thì sẽ có nhiều biến động.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư chuối Việt cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn để các đơn vị xuất khẩu chuối của Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, thâm nhập vào thị trường khó tính châu Âu.

“Đây là cơ hội  tốt cho các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chuối ở nước ta. Công ty tôi cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt khi Việt Nam vừa tham gia TPP thì sẽ rất thuận lợi.

Châu Âu lâu nay người ta chưa biết nhiều đến chuối Việt Nam do hàng hóa của chúng ta chưa đạt chuẩn, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này”, ông Phương khẳng định.

Toàn cầu khủng hoảng chuối: Tâm tư chuối Việt - 0

Theo vị giám đốc, chuối trồng ở Việt Nam, đặc biệt là chuối Cavendist có nhiều lợi thế để cạnh tranh với các nước trong việc xuất khẩu vào khu vực châu Âu, châu Phi hay Trung Đông.

“Thực tế chuối Việt Nam rất tốt, thiên nhiên Việt Nam ưu đãi nên chuối Việt Nam có vị ngọt hơn, thơm hơn và có màu sắc đẹp hơn phía Trung Quốc và Philippines.  Qủa chuối to có hình dáng đẹp, dài và hơi cong. Giá cả thì hiện nay giữa Việt Nam và các nước đang ngang nhau, hơn 20.000 đồng/kg tuy nhiên trong thời gian tới khi tay nghề của công nhân được nâng lên cao thì giá thành sẽ giảm xuống, là cơ hội để chuối Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư chuối Việt, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất khẩu, trong năm nay doanh nghiệp này sẽ xuống giống 2000ha cũng như tăng sản lượng chuối, đáp ứng thị trường sâu rộng ở các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. 

“Hiện giờ chúng tôi xuất 4.000 tấn/năm nhưng năm tới sẽ nâng lên mức 100.000 tấn. Trung bình mỗi tháng xuất đi khoảng 30, 40 container hàng hóa.  Ngoài ra toàn bộ  chuối của công ty đã chuyển qua canh tác phương pháp mới, khác hẳn với phương pháp canh tác truyền thống của nông dân, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Khoảng cách giữa các cây chuối là 2x2m. Với mật độ trồng dày, một hecta của công ty trồng được trên 2,500 gốc chuối. Cách trồng này mang lại hiệu quả về sản lượng vì 1 ha chuối của công ty có thể thu hoạch được 75, 100 tấn/năm”, ông Phương nói.

Ông Phương chia sẻ, ngay từ khi đi vào hoạt động, mục tiêu hướng tới của công ty  là mang thương hiệu chuối Việt đi khắp các châu lục để giới thiệu cũng quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.

“Chúng tôi lấy tên là chuối Việt Nam, kỳ vọng của mình là trái chuối Việt Nam đi khắp thế giới, là mẫu thương hiệu lớn nhất , không muốn là thương hiệu nhỏ lẻ nữa.

Hiện giờ, khó khăn của công ty là rất muốn phát triển lớn nhưng hiện nay về tài chính toàn bộ bằng vốn cá nhân huy động, chưa được sự hỗ trợ của nhà nước. Tôi mong muốn Nhà nước có sự quan tâm và hỗ trợ tốt hơn”, ông Phương nói.

Tránh sản xuất manh mún  

Là một doanh nghiệp có tiếng ở miền Bắc về việc trồng và xuất khẩu chuối, từ lâu Trang trại chuối Thuận Tâm Thành ở Khoái Châu, Hưng Yên đã đẩy mạnh sản xuất hướng tới xuất khẩu theo quy trình VietGAP.

Trước thông tin trên, anh Phạm Năng Thành, chủ trang trại chuối 3T cho rằng dù đây là cơ hội lớn cho chuối Việt Nam nhưng để có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu thì không phải ai cũng có thể làm được.

“Công ty tôi 100% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Hiện nay với khoảng 40 ha trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng năm chúng tôi đã cung cấp sang nhiều nước nổi tiếng khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga. Tuy nhiên số lượng vẫn chưa nhiều trong khi nhu cầu của thị trường các nước là rất lớn. Sắp tới nhằm tận dụng cơ hội này, chúng tôi sẽ mở rộng thêm khoảng 40 ha vào cuối tháng 6 khi người dân gặt lúa xong”, anh Thành chia sẻ.

Với kinh nghiệm trồng và xuất khẩu chuối nhiều năm nay, anh Thành cho rằng, so với miền Trung và miền Nam thì điều kiện thời tiết ở miền Bắc chưa thật sự thuận lợi. Ngoài ra với việc trồng manh mún như hiện nay, sản lượng chuối xuất khẩu sẽ không nhiều và mang lại giá trị kinh tế cao.

“Những sản phẩm từ công ty chúng tôi thì sẽ xuất khẩu hết các thị trường các nước khó tính, với giá thành khoảng 8.000 đồng/kg. Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi thu mua sang các tỉnh miền Bắc nhưng thông thường, người dân trồng chuối không theo các quy định, quy chuẩn nên chuối không đẹp, giá thành thấp, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá rẻ từ 2.000 -3.000 đồng”, anh thành nói.

Chủ trang trại chuối 3T cho biết, do trồng và xuất khẩu chuối bằng niềm đam mê và sự tự lực cánh sinh của bản thân nên dù muốn mở rộng kinh doanh, thị trường cũng như nhập các thiết bị máy móc hiện đại cũng cần phải có thêm thời gian.

“Chắc chắn trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn, chúng tôi sẽ dần nâng cao thêm công nghệ, mở rộng diện tích trồng chuối. Tuy nhiên tôi cho rằng, để xuất khẩu chuối có thương hiệu và nâng cao giá trị thì các cơ quan nhà nước cần phải có sự hướng dẫn cũng như giúp đỡ người nông dân để hướng tới mục tiêu xa hơn.

Chứ tôi thấy hiện nay, người dân họ đều tự phát trồng dẫn đến tình trạng cung nhiều hơn cầu, giá chuối trong nước rất thấp. Mà khi muốn xuất khẩu thì không đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật. Cần phải hỗ trợ họ, chứ không phải chuối rẻ thì lại nói hạn chế trồng chuối, trong khi nhu cầu trên thế giới rất cao”, anh Thành kiến nghị.

Nguyễn Hòa/ Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC