“Học sinh học yếu, lười học cô dạy thành khá giỏi mới gọi là giáo viên giỏi. Nhưng hiện nay dù là dạy thêm nhiều giáo viên cũng không muốn nhận học sinh kém!" Từ “giáo dục” theo gốc Hán Việt có nghĩa là chỉ bảo, dạy dỗ, chăm sóc; bao gồm không chỉ việc dạy học (giáo) mà còn hàm chứa cả sự yêu thương, quan tâm của giáo viên trong đó (dục).
Nhưng sẽ ra sao nếu giáo viên chỉ chọn ra những em có tiềm năng nhất để chỉ bảo mà xa lánh những học sinh yếu kém; thiếu đi tình yêu thương nhân ái, không vị kỉ đối với thế hệ trẻ?
Cô giáo Phan Tuyết đã gửi tới độc giả bài viết chia sẻ những gì cô quan sát được thông qua lớp học thêm của con mình.
Vừa nhìn thấy tôi trước cửa, cô em dâu bức xúc lên tiếng:
“Cu Bin bị cô giáo cho nghỉ học rồi. Cô nói nó đã mất căn bản nên không dạy được. Em chẳng hiểu nổi vì sao chưa học lớp một mà lại là mất căn bản?”
Dù là giáo viên tôi cũng chẳng thể trả lời được câu hỏi của cô em dâu.
Qua tìm hiểu nên tôi biết được lớp học của cô giáo về hưu H.A ở quê tôi luôn chật kín học sinh đặc biệt là những học sinh sắp vào lớp một.
Nhiều em, ba mẹ cho đi học với cô từ khi các em đang học mẫu giáo, nhưng không phải ai tới xin học cũng được mà phải là những em tiếp thu nhanh, chăm học.
Bởi thế những học sinh này gần như đã đọc thông viết thạo trước khi chưa vào lớp một.
Hè về, nhiều phụ huynh khác lại tìm đến nhà cô H.A để gửi gắm con mình trước khi các em vào lớp một, thế là những học sinh mới tuyển vào cũng được sắp xếp ngồi học chung một lớp với những học sinh cũ.
Sau khoảng một tuần dạy, giáo viên sẽ lọc ra những em tiếp thu nhanh, thông minh giữ lại cho học tiếp, những em học chậm cần sự hướng dẫn tận tình sẽ được cô giáo trả lại phía gia đình và cu Bin nhà tôi là một trong số đó.
Không chỉ mình em dâu tôi thắc mắc, một số phụ huynh bị cô trả con về đều lên tiếng:
“Cô nói con tôi tiếp thu chậm, nếu để cháu học ở đây cô phải mất nhiều thời gian hướng dẫn sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác. Bởi thế, ba mẹ đưa con về xin học nơi khác”.
Cô H.A là giáo viên có thâm niên vài chục năm dạy lớp một nay đã về hưu. Nhiều phụ huynh ca ngợi cô là giáo viên dạy giỏi nên số lượng học sinh đăng kí học lớp một lúc nào cũng đông.
Có điều những em được cô nhận dạy nhất định không phải dạng yếu kém.
Tôi thì cứ thắc mắc:
“Học sinh học yếu, lười học cô dạy thành khá giỏi mới gọi là giáo viên giỏi. Nhưng phần lớn hiện nay dù là dạy thêm nhiều thầy cô cũng phải chọn học sinh, có người nhất định không chịu nhận học sinh yếu kém”.
Dù cu Bin được ba mẹ đồng ý trả thêm tiền học phí nhưng cũng không thể trụ lâu ở lớp học thêm bởi cứ học được một tuần khi thầy cô phát hiện Bin tiếp thu chậm, lười học… em lại được thầy cô trả về cho ba mẹ.
Nay thấy con mình không được nhận học, vợ chồng cô em sốt ruột.
Cô vợ than vãn:
“Biết thế cho nó đi học từ năm ngoái rồi. Tại cứ nghe người ta nói không nên cho con học trước nên giờ mới khổ thế đấy. Sắp tới đây mà vào học chính thức, con người ta đọc viết ro ro, con mình ê a có mà chết à?”
Cậu em tiếp lời: “Con mình có tệ gì đâu? Chỉ là học sau bạn nên mới chưa theo kịp. Mà đi học thêm mất tiền cô giáo còn không nhận, vào học rồi sẽ sao đây?”
Có biết bao phụ huynh có con học trước đã bật mí:
“Vào lớp một học sinh phần lớn đã biết đọc, con mình chưa biết gì sẽ ngơ ngơ như “bò đội nón” thì tội lắm. Chưa nói đến việc giáo viên bây giờ không được giảng giải nhiều, học sinh chủ yếu tự học nên con mình càng phải đi học trước”.
Thế rồi, ba mẹ bé Bin không có đủ “dũng cảm” để em ở nhà vì sang năm Bin đã vào lớp một.
Những học sinh khi vào lớp một đã biết đọc ro ro, khi dạy giáo viên cũng ít nhọc công nhưng không ít em ỉ mình đã biết trước những điều cô dạy nên cũng lơ là không chịu tập trung.
Nhưng tội nhất là học sinh những gia đình không có điều kiện để cho con học trước, vào học chính thức, những học sinh này chắc chắn sẽ trở thành “Con vịt lạc đàn” trong lớp học.
Em may mắn học được giáo viên có tâm, chịu khó và nhiệt tình sẽ tiến bộ, không ít em học với cô giáo ít có tính kiên trì lại nóng nảy, những học sinh này lực học sẽ kém đi sinh ra mặc cảm, tự ti và luôn sống thu mình lại.
Giá tất cả phụ huynh đều ý thức được việc không nên cho con học trước tuổi để tất cả các em khi bước vào lớp một đều có xuất phát điểm như nhau thì có lẽ kết quả sẽ khá hơn nhiều.
Theo GDVN