Trụ sở nghìn tỷ nằm trên đất vàng Bộ Ngoại giao: Bên trong cỏ mọc um tùm, nhếch nhác
Trong 4 vụ việc, vụ án có dấu hiệu lãng phí được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo có Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao.
Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao được phê duyệt tại Quyết định số 1999 ngày 7/7/2009 của Bộ Ngoại giao với tổng mức đầu tư 3.484 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt.
Công trình chính có quy mô 14 tầng nổi, cao 78,9m và 1 tầng hầm. Diện tích xây dựng 16.282m2, tổng diện tích sàn 126.282m2 (không kể diện tích ngoài trời như khu vực để xe, thảm cỏ, khu thể thao giải trí và đường giao thông nội bộ).
Quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân như biến động giá cả vật tư, vật liệu xây dựng; tiền lương nhân công, tỷ giá… Bộ Ngoại giao đã ban hành Quyết định số 1394 ngày 14/7/2014 phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án giai đoạn 1 lên 4.022,7 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước từng vào cuộc với dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao.
Việc kiểm toán được tiến hành với nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án từ 31/5/2014 đến 30/6/2016; giá trị khối lượng các hạng mục xây lắp và thiết bị lắp đặt hoàn thành được nghiệm thu và lập hồ sơ thanh, quyết toán; kiểm toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài, tư vấn giám sát, chi phí ban quản lý dự án.
Theo kết luận kiểm toán năm 2017, dự án được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư là 3.484 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân như biến động giá cả, vật tư, vật liệu xây dựng, tiền lương nhân công, tỷ giá... Bộ Ngoại giao đã điều chỉnh tổng mức đầu tư giai đoạn 1 năm 2014 lên 4.022 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên cơ sở tổng mức đầu tư điều chỉnh, Ban quản lý đã phê duyệt dự toán các gói thầu với tổng giá trị lên tới hơn 5.952 tỷ đồng, dẫn đến đã ký các hợp đồng với tổng giá trị gần 4.689 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 260,6 tỷ đồng, trong đó giảm trừ thanh toán hơn 40,6 tỷ đồng; xử lý khác, chưa đủ điều kiện quyết toán gần 220 tỷ đồng.
Tổng thể các gói thầu được kiểm toán đều bị chậm tiến độ.
Trong đó, gói thầu TB-10 chậm 8 tháng, gói thầu TB-13 chậm 13 tháng; gói XL-07 chậm 60 tháng, gói TB06 chậm 5 tháng, gói TB12 chậm 7 tháng, gói XL-10 chậm 24 tháng, gói thầu TB09 chậm 22 tháng; XL-09 chậm 24 tháng; gói thầu XL-05 chậm 53 tháng; gói thầu XL14 chậm 55 tháng; gói thầu TB04 chậm 18 tháng.
Nguyên nhân chậm tiến độ được phân tích do điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, phân kỳ giai đoạn đầu tư và phụ thuộc vào tiến độ phân bổ kế hoạch vốn của dự án.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT