Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần lên kịch bản để đối phó với những căng thẳng do Trung Quốc gây ra, tránh bị động, lúng túng.
Trung Quốc tuyên bố ngang ngược trước phán quyết PCA
Ngày 3/7, trang web Cục hải sự Trung Quốc (MSA) đăng tải thông báo cho biết từ ngày 5-11/7 nước này sẽ tổ chức một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn quanh khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phía Trung Quốc còn tuyên bố cấm tàu thuyền đi vào khu vực này suốt thời gian tập trận.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Tấn Tuân, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định, Trung Quốc đã vị phạm nghiêm trọng công ước về biển cũng như luật pháp quốc tế khi tuyên bố tập trận tại vùng biển của Việt Nam.
“Các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, hành động kiểu Trung Quốc là không được. Cho dù tòa quốc tế xử thế nào thì trước hết về luật biển, họ phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh.
Trung Quốc có muốn tiếp tục tham gia UNCLOS hay không thì tùy họ nhưng đến thời điểm này khi đã ký kết tham gia Luật công ước biển năm 1982 thì phải chấp nhận quy định pháp luật về luật biển. Tuyên bố tập trận tại vùng biển của Việt Nam là vi phạm pháp luật”, ông Tuân khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần lên kịch bản để đối phó với những căng thẳng do Trung Quốc gây ra, tránh bị động, lúng túng. Ảnh minh họa
Đánh giá về hành động này trước khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, vị ĐBQH cho rằng Bắc Kinh đang toan tính nhiều mưu đồ có lợi cho bản thân trong cuộc đối đầu căng thẳng về biển Đông.
“Trung Quốc muốn dùng sức mạnh quân sự để gia tăng sức ép cũng như tác động lên các nước liên quan. Họ cố tình khẳng định chủ quyền và không đồng tình với phán quyết. Thứ hai là khẳng định lập trường kiên quyết, xuyên suốt của họ về biển Đông. Điều này hoàn toàn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, ông Tuân nhấn mạnh.
Cùng đưa ra ý kiến, ông Nguyễn Ngọc Bảo, ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đây là một mưu đồ của Trung Quốc bất chấp dư luận, các luật lệ của quốc tế.
“Ranh giới biển đảo và đường lưỡi bò của Trung Quốc là một bất hợp lý. Trên thế giới cũng rất nhiều nước phản đối và không ủng hộ điều đó. Trong khi Tòa án quốc tế còn đang xử vụ kiện của Philippines với Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp thì Bắc Kinh còn tuyên bố tập trận và khẳng định nước nào xâm phạm sẽ bắn. Đấy là những tuyên bố cần phải lên án.
Một trong những ý đồ của Trung Quốc thể hiện rất rõ là họ không chấp nhận những điều luật quốc tế đã quy định năm 1982.
Ngoài ra, tập trận còn là một trong những hành động răn đe các nước, những nước phản đối mạnh mẽ với các hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông”, ông Bảo nêu quan điểm.
Theo vị ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, nếu tất cả các nước đều không có trách nhiệm với biển Đông, với ngôi nhà chung thì về lâu dài sẽ để lại những hậu quả hết sức nguy hiểm.
“Trung Quốc đang làm tất cả mọi thứ theo ý đồ, làm theo bước hoạch định. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu trên vùng biển quốc tế, làm mất đi cam kết quốc tế và những tuyên bố chung giữa các nước. Chúng ta sẽ không có sự ổn định chính trị, nguy cơ căng thẳng leo thang”, ông Bảo đánh giá.
Việt Nam nên chủ động
Với những tuyên bố ngang ngược trên của Trung Quốc, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định các nước trong khu vực ASEAN, cũng như các quốc gia có trách nhiệm về biển Đông như Mỹ, Nhật Bản sẽ không ủng hộ và chấp thuận quan điểm từ phía Bắc Kinh.
“Tôi tin rằng các nước ASEAN sẽ phản đối kịch liệt những tuyên bố của Trung Quốc. Phía Philippine có quyền lợi trực tiếp trên biển Đông và Mỹ cũng có tầm ảnh hưởng đến khu vực trên nên 2 nước này từ xưa đến nay đã có lập trường cứng rắn, nhất quán rồi. Tôi tin rằng lần này họ vẫn là những nước phản đối kịch liệt tuyên bố của Trung Quốc”, ông Bảo khẳng định.
Tuy nhiên vị chuyên gia cũng thừa nhận, hiện nay trong nội bộ các nước ASEAN cũng có một số nước chưa có sự đồng thuận cao với các vấn đề quốc tế. Vì thế dễ dàng bị Trung Quốc lôi kéo, dụ dỗ, đưa ra lập trường trái ngược với các quốc gia còn lại.
Vì thế, Việt Nam với vai trò là nước có liên quan trực tiếp đến những tranh chấp trên biển Đông cần phải tích cực chuẩn bị những phương án nhằm đối phó với Trung Quốc, tránh bị động trong các trường hợp có thể xảy ra.
“Chúng ta phải lên tiếng một cách gay gắt vì liên quan đến chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Với những hành động của Trung Quốc, chúng ta cần phải có những biện pháp ngoại giao linh hoạt để vừa khẳng định được lập trường cứng rắn vừa đạt được mục đích phát triển kinh tế, đất nước của cả 2 bên.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải lên một phương án lâu dài nếu không sẽ bị động trước các tuyên bố của Trung Quốc. Chúng ta cũng phải có một kịch bản khác cư xử lại hoặc bình tĩnh hơn để đối phó với các tình huống có thể xảy ra”, vị chuyên gia nhận định.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cũng thừa nhận, từ xưa đến nay, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền tại các vùng biển trên biển Đông, lịch sử của chúng ta đã rõ ràng. Thứ hai là chúng ta đấu tranh trên nguyên tắc tôn trọng các quy định của pháp luật quốc tế. Thứ 3 là Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, chúng ta không muốn xảy ra chiến tranh, muốn có những quan hệ tốt với Trung Quốc để cùng nhau phát triển.
“Với tuyên bố mới này của Trung Quốc, tôi cho rằng Việt Nam cũng cần kêu gọi các quốc gia trong khu vực đoàn kết lại để cùng bàn phương án đối phó với Bắc Kinh. Chúng ta không chấp nhận những hành động khiêu khích, không tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy các quốc gia cùng hành động, cùng lên tiếng là cần thiết”, ông Bảo khẳng định.
Nguyễn Hoàn
Báo Đât Việt