Vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu tại Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Xung quanh vấn đề này, trang web của hãng phát thanh truyền hình DW (Đức) vừa đăng bài viết chỉ ra những động lực thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6,1% vào cuối năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Cả hai mức này đều cao hơn ước tính hồi tháng 4/2024 của cơ quan này. Dự báo cho thấy Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng vào năm 2025 cao hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Theo bài viết trên trang DW, Việt Nam - giống như các nước Đông Nam Á khác - phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Báo cáo Đầu tư ASEAN 2024 cho biết từ năm 2021 - 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đạt trung bình khoảng 236 tỷ USD một năm. Khi các nhà đầu tư phương Tây tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước Đông Nam Á trở thành lựa chọn hàng đầu cho đầu tư nước ngoài.
DW dẫn lời TS. Bích Trần, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu cho chính sách Trung Quốc+1 của nhiều công ty vì vị trí địa lý gần và nền văn hóa tương đồng.
Trong khi đó, Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của nhiều nền kinh tế phương Tây. Đơn cử như Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tháng 9/2023, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Các nhà phân tích cho rằng điều này thúc đẩy lợi ích kinh tế của cả hai bên. Theo bài viết, khoản đầu tư lớn từ Mỹ vào Việt Nam là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho đất nước. Việt Nam trở thành địa điểm sản xuất quan trọng của Apple, với việc “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm qua.
Theo trang DW, Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn cũng nhờ có chi phí lao động thấp cùng với lực lượng lao động trẻ và đông đảo, với 58% dân số trong tổng số gần 100 triệu người dưới 35 tuổi. Đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS) nói rằng đất nước có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ lợi thế trong nước là dân số 100 triệu người với tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Nguyễn Hằng (TTXVN)