Cứ mỗi “mùa chim làm tổ”, trên khắp các con phố Hà Nội lại ngập tràn mùi hoa sữa. Tuy nhiên, hương thơm… quá đà từ loài hoa vốn gắn với hình ảnh lãng mạn, ngọt ngào trong ca khúc cùng tên – Hoa sữa – của nhạc sĩ Hồng Đăng lại đang khiến người dân thủ đô “sôi sục” và “ức chế”…
Cứ mỗi “mùa chim làm tổ”, trên khắp các con phố Hà Nội lại ngập tràn mùi hoa sữa. Tuy nhiên, hương thơm… quá đà từ loài hoa vốn gắn với hình ảnh lãng mạn, ngọt ngào trong ca khúc cùng tên – Hoa sữa – của nhạc sĩ Hồng Đăng lại đang khiến người dân thủ đô “sôi sục” và “ức chế”…
ăm 1978, khi bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của đạo diễn Đức Hoàn (đóng vai Mỵ - phim Vợ chồng A Phủ) được trình chiếu, ca khúc trong phim khi ấy là Hoa sữa đã khiến rất nhiều khán giả xúc động bởi mỗi câu chữ đều gắn liền với từng thước phim.
Hà Nội mùa chim làm tổ là câu chuyện tình yêu giữa Nguyệt (Như Quỳnh đóng) và Khánh (Trần Vân). Thời điểm họ đang cùng mơ về ngày đẹp nhất trong đời mình thì những xung đột tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống giữa cha mẹ của họ, giữa chính họ, đã đẩy họ dần xa nhau…
Poster phim Hà Nội mùa chim làm tổ của đạo diễn Đức Hoàn trong đó Hoa sữa là ca khúc chính
Hoa sữa và những lời hát như:
“Em vẫn từng đợi anh
Trên những chặng đường quen
Tiếng hát ai xao động
Thoáng mùi hoa êm đềm…”
hay
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em
trải qua gần 40 năm vẫn làm cho không ít người thổn thức.
Theo nhạc sĩ Hồng Đăng, khi đạo diễn Đức Hoàn đặt hàng ông viết một bài hát cho Hà Nội mùa chim làm tổ ông khá lúng túng, loay hoay mãi không ra ý tưởng gì. Đúng thời điểm đó, nhà thơ Hương Trâm trong một cuộc trò chuyện với ông có kể ở Hà Nội lúc ấy có loài hoa sữa mang mùi hương nồng nàn, lạ lạ.
Chỉ bằng một đoạn hội thoại ngắn như vậy, nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết nên Hoa sữa chỉ trong vỏn vẹn… vài phút cùng những câu từ mà theo ông rất bâng quơ.
Lúc đó, “cha đẻ” của Hoa sữa không có bất cứ khái niệm gì về loài hoa mà sau này mỗi dịp gió đông tràn về lại trở thành nỗi ám ảnh... kinh hoàng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng
Ông từng chia sẻ trên báo Gia đình & Xã hội: “Lúc ấy tôi có biết hoa sữa là hoa gì đâu, chẳng có tí khái niệm gì về loài hoa này. Tôi chỉ nghĩ nó thơm thơm, ngọt ngọt. Mà viết nhạc có ai bắt phải miêu tả nó như thế nào, hình thù nó ra sao, nó thơm kiểu gì đâu(!?).
Tôi tưởng tượng ra tôi viết. Mà bài hát tôi viết cũng toàn những câu bâng quơ thôi:
“Kỉ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung, những con đường nhỏ
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào... anh lại quên em…
Có lẽ nào... anh lại quên em”.
Đầu phố, chỗ chúng ta hay hẹn hò nhau, gặp nhau rồi mùi hương hoa ngọt ngào quanh quẩn đi theo. Những câu hát nói tới tình yêu, nhưng không thúc giục, không mạnh bạo, mà nhẹ nhàng, tinh tế, rất Hà Nội”.
Ca khúc Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng tính đến nay đã gắn bó với người yêu nhạc 39 năm với những ca từ rất đỗi ngọt ngào
Nói về việc sau này, khi Hà Nội bắt đầu ngày càng một nhiều hoa sữa và mùi hương từ nồng nàn trở nên… nồng nặc khiến nhiều người “đổ lỗi” lẫn “lên án” mình, nhạc sĩ nói:
“Lỗi thì tôi cũng chẳng có lỗi gì cả, chẳng qua là mọi người yêu bài hát “Hoa sữa”, yêu hình ảnh, mùi hương hoa sữa thì mọi người trồng thôi. Mà tôi cũng nên cảm ơn những người trách tôi.
Vì như thế, tôi thấy được tác động của văn học nghệ thuật đi vào cuộc sống đời thường một cách nhẹ nhàng, đơn giản, chẳng cần “đao to búa lớn” gì cả.
Chỉ là một bài hát mà làm cho người ta yêu hẳn một loài hoa. Loài hoa ấy dần biến thành biểu tượng của một thành phố, đã có bài hát nào làm được như thế đâu?
Điều này rất quý giá cho tiếng nói của văn học nghệ thuật và cũng là niềm vui cho tác giả”.
Từ một loài hoa được "tôn vinh" là biểu tượng của Hà Nội, giờ đây, cứ mỗi dịp Đông về hoa sữa trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi mật độ trồng loài cây này không hợp lý
Thời điểm này ở Hà Nội, hương hoa sữa đang là “hiện tượng” gây ra nhiều tranh cãi trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội ra đến cả đời thường.
Bên cạnh những lời lẽ, thái độ bức xúc cũng có không ít người tếu táo, dí dỏm “lên án” nhạc sĩ Hồng Đăng.
Cộng đồng mạng cũng đua nhau chế các hình ảnh “đả kích” loài hoa “vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm”.
Cư dân mạng đua nhau chế các hình ảnh miêu tả sự "kinh hoàng" mang tên hoa sữa
Người nhạc sĩ cũng bị "ném đá" lây
Tuy nhiên, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng bày tỏ rằng cái gì cũng cần vừa đủ, nhiều quá hay ít quá đều không hay.
Chúng ta hãy trồng đủ để hương hoa thơm man mác lan toả theo chiều gió, làm cho người dân vui, phấn khởi chứ không phải khiến họ khó chịu hay bực mình.
Bên cạnh ca khúc do nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác, hình ảnh hoa sữa trong nghệ thuật cũng gắn liền với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Im lặng đêm Hà Nội (Phú Quang)...
Nguồn: Thể thao & Văn hóa