“Trong dự thảo không cấm người điều khiển xe máy uống rượu, nhưng nên xem xét đưa vào luật vì đây là một nguyên nhân gây tai nạn”, đại biểu Võ Văn Đủ thảo luận về Luật Giao thông đường bộ, chiều 20/10.

Theo điều 8 của dự thảo Luật, việc cấm sử dụng rượu bia áp dụng với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dụng. Với người điều khiển môtô, xe gắn máy thì chỉ cấm trường hợp điều khiển phương tiện khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg trong 100ml máu hoặc 0,25 mg trong1 lít khí thở.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình với nội dung này. Đại biểu Võ Văn Đủ cho rằng, cần mạnh dạn nghiêm cấm uống rượu khi tham gia giao thông như thực thi đội mũ bảo hiểm, để giảm tai nạn giao thông. Dự thảo đưa ra mức độ nồng độ cồn cho phép thì phải có phương tiện đo. Trong khi giá của dụng cụ này là 800.000 đồng một chiếc, rất tốn kém.

Đại biểu Đỗ Văn Lực cũng cho rằng, phải nghiêm cấm người điều khiển phương tiện khi trong máu có cồn. Luật giao thông hiện hành nghiêm cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn 50mg trong số 100 ml máu như thực tế rất ít trường hợp bị xử lý vì lỗi này.

“80% nguyên nhân tai nạn là do rượu bia, nếu trong người có rượu bia thì nên ngủ, hết men bia thì lại điều khiển xe”, ông Lực nói, cả hội trường vang tiếng cười.

Nhiều năm công tác trong ngành công an, đại biểu Trần Bá Thiều cũng cho rằng, quy định nồng độ cồn như dự thảo luật không khả thi. Trên thực tế, lực lượng chuyên trách rất khó kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở. Nếu cấm triệt để thì tính răn đe tốt hơn, cứ ngồi lên xe là không được uống rượu.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề ưu tiên cho người đi bộ. Theo dự thảo, nếu không có vỉa hè, cầu vượt, người đi bộ phải quan sát, nhường đường cho các phương tiện khác... Ông Quốc cho rằng, đây là quy định… kém thông minh bởi cần phải giáo dục các phương tiện khác nhường đường cho người đi bộ. Trong xã hội văn minh, các phương tiện phải ưu tiên cho người đi bộ.

Đại biểu Võ Tiến Trung cho rằng, để bảo vệ người đi bộ thì nhất thiết phải có đường và quy định rõ bao nhiêu mét dành cho người đi bộ. Nếu các tuyến mà chưa có phần đường và hè phố cho bộ hành thì phải từng bước chỉnh trang.

Có ý kiến nêu, ngoài các quy định cấm như dự thảo, nên bổ sung cấm ngồi ngang trên xe máy. "Điều này hơi buồn với chị em khi mặc váy song rất cần thiết", một đại biểu nói.

Theo Đoàn Loan
VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC