Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng người mẫu, ca sĩ nổi tiếng có thể tham gia đóng phim song rất dễ bị đào thải.
Liên quan đến sự lặp đi lặp lại trong các vai diễn của diễn viên truyền hình hiện nay cũng như sự yếu kém về mặt diễn xuất của một bộ phận không nhỏ người mẫu, ca sĩ khi đảm nhận vai trò diễn viên, phóng viên của chúng tôi đã có trao đổi với đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình VN.
NSƯT - Đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Ảnh: NVCC
Diễn viên tài năng khó kiếm
- Có ý kiến cho rằng dàn diễn viên truyền hình hiện nay bị nhàm chán do khan hiếm những gương mặt mới. Anh nói gì về ý kiến này?
- Nếu nhận xét là nhàm chán thì tôi thấy có vẻ hơi nặng nề nhưng đúng là có sự quen mặt, nghĩa là người xem có cảm giác quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những gương mặt đó mà không có những gương mặt mới mẻ, trẻ trung hơn.
- Là đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình, theo anh, sự lặp đi lặp lại và quen mặt như anh vừa đề cập bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
- Trong mặt bằng phim truyền hình những năm gần đây dễ thấy không nhiều những gương mặt nổi bật có thể đảm nhận vai chính. Mặc dù nhu cầu của thị trường phim thì ngày càng tăng do có nhiều đài truyền hình tham gia sản xuất phim, hơn nữa Chính phủ cũng có chủ trương tăng cường sản xuất phim truyền hình để giảm tình trạng phủ sóng của phim ngoại nhưng lực lượng diễn viên có tài năng thực sự lại vô cùng khan hiếm. Do vậy, khó tránh khỏi sự lặp đi lặp lại.
- Nhìn từ thực tế ở VFC, theo anh, cách để giải quyết tình trạng quen mặt này là gì?
- Chúng tôi cũng như nhiều đơn vị sản xuất phim truyền hình khác cũng đã bày ra những cách khác nhau để khắc phục tình trạng mà bạn đang trao đổi.
Một trong những biện pháp mà các nhà làm phim hay thực hiện đó là giao cho diễn viên những tạng nhân vật, kiểu vai mới. Ví dụ trước đây chỉ đóng vai hiền lành, chân chất thì nay cho đóng vai phản diện và ngược lại.
Thế nhưng không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả.
Đạo diễn có thể giao cho diễn viên những vai diễn trái ngược nhưng bản chất của người diễn viên lại không phù hợp thì cũng khó có thể ghi dấu ấn.
Tôi lấy ví dụ như NSND Lan Hương, khả năng diễn xuất của chị thì không thể phủ nhận, chị có thể đóng được nhiều dạng vai khác nhau nhưng rõ ràng ấn tượng và được khán giả yêu thích nhất vẫn là những vai chân chất, hiền lành, nhẹ nhàng.
NSND Trung Hiếu cũng vậy, đạo diễn có thể giao cho anh đóng phản diện nhưng khán giả lại không chấp nhận vì người ta thích anh ở những vai người tốt hơn.
NSƯT Công Lý đóng vai người bố rất thành công nhưng khi nhắc đến mọi người vẫn luôn nhớ đến anh là một diễn viên hài. Vóc dáng, ngoại hình, giọng nói của họ như vậy thì không dễ ép vào tất cả các dạng vai.
Người mẫu, ca sĩ đóng phim dễ bị đào thải
- Một số đơn vị sản xuất phim truyền hình trong miền Nam chọn cách mời những người nổi tiếng như MC, người mẫu, ca sĩ làm diễn viên vừa tăng sự chú ý của công chúng vừa là một phương cách để giải quyết vấn đề khan hiếm diễn viên. Anh nghĩ gì về cách làm này?
- Việc mời những nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người biết đến như MC, người mẫu, nghệ sĩ múa, ca sĩ vào diễn xuất trong phim truyện cũng có thể được coi là một lựa chọn. Tuy nhiên, lựa chọn này không bền vì nhiều người đẹp, người nổi tiếng không hề có khả năng diễn xuất, lại không chịu trau dồi nên nhanh chóng bị đào thải.
Tuy nhu cầu thị trường cao, diễn viên mới khan hiếm nhưng công nghệ làm phim truyền hình cũng có sự thay đổi với những yêu cầu khắt khe hơn. Giờ đây, ngoài vóc dáng, ngoại hình, diễn viên còn phải có khả năng diễn xuất, đài từ, giọng nói vì phim được thu âm trực tiếp. Những yếu tố quan trọng đó không phải người đẹp nào cũng thực hiện được.
- Có gì mâu thuẫn không khi mà thị trường thì thiếu diễn viên còn nhiều sinh viên tốt nghiệp diễn xuất chuyên nghiệp tại các trường sân khấu, điện ảnh lại không có cơ hội được đóng phim?
- Các trường đào tạo về diễn xuất là đào tạo cho cả sân khấu, điện ảnh và truyền hình với tiêu chí đại học, nghĩa là đào tạo chuyên nghiệp để diễn viên có thể đóng được nhiều dạng vai khác nhau, từ chính diện đến phản diện. Tuy vậy, khi ra trường có người nhập cuộc được còn nhiều người cũng khó nhập cuộc. Đào tạo ở đại học không phải là đào tạo ra ngôi sao, do vậy người xuất chúng cũng rất ít.
Bản thân Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cũng tiến hành đào tạo thông qua việc mở những khóa diễn viên truyền hình.
Chúng tôi đào tạo ngắn hạn do vậy không dạy nhiều môn học mà cho học viên nhập cuộc ngay vào những dạng vai khác nhau, tập trung thực hành và khơi gợi niềm đam mê diễn xuất cho những nhân tố muốn thử sức mình. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai một khóa đào tạo diễn viên để giải quyết tình trạng quen mặt của diễn viên truyền hình hiện nay.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho viết việc đào tạo về diễn xuất giúp Vân Hugo nâng cao khả năng giọng nói và đài từ.
- Nhưng cũng không có không ít diễn viên tham gia khóa đào tạo của VFC chỉ đóng một vài phim rồi chuyển sang lĩnh vực khác như Hoàng Thùy Linh, Vân Hugo. Đó có phải là sự lãng phí?
- Như tôi vừa nói, để làm diễn viên trước hết phải có đam mê, sinh viên trường Y tế, trường Bách khoa cũng đều có thể làm diễn viên nhưng không thể thiếu được năng khiếu.
Việc đào tạo diễn xuất góp phần khơi dậy năng khiếu và mở ra những cánh cửa mới.
Nếu muốn đi được đường dài thì bắt buộc phải học hỏi hơn nữa, thậm chí là học về diễn xuất chuyên nghiệp tại trường lớp.
Ví dụ như Diệu Hương hay Nguyễn Mạnh Hưng, sau khi được chúng tôi đào tạo thì các bạn ấy quyết định thi vào trường sân khấu – điện ảnh để tiếp tục học chuyên nghiệp và bây giờ đều đang là những diễn viên trẻ rất tài năng.
Còn những trường hợp như bạn vừa đề cập thì tôi nghĩ việc đào tạo về diễn xuất có lợi rất nhiều cho họ vì dù không đi đường dài trên nghiệp diễn nhưng họ đã tiếp nhận được nhiều kỹ năng về đài từ, giọng nói, giúp ích rất nhiều cho công việc ca sĩ hay MC hiện giờ.
Theo Zing