Ông Nguyễn Hữu Thành - phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - trao đổi với báo chí sáng 1-8 - Ảnh: QUANG VIỄN
Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội, quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.
Chỉ đang ở mức rà soát
Liên quan tới vấn đề này, sáng 1-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hữu Thành - phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - cho biết việc sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí tại nghị quyết số 1211 và nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, ngoài tiêu chí đảm bảo dân số và diện tích tự nhiên thì vẫn phải xét tới yếu tố đặc thù như đã ổn định từ năm 1945; liên quan tới văn hóa, lịch sử dân tộc.
Vì vậy, với những quận, huyện đặc thù, vẫn còn phải nghiên cứu, xem xét.
Về thông tin quận Hoàn Kiếm nằm trong diện phải sáp nhập, ông Thành cho rằng đây chỉ đang rà soát đánh giá theo tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên nêu trong nghị quyết 35 của Quốc hội.
Ngoài ra, để quyết định sáp nhập hay không, còn phải căn cứ vào điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử.
Liên quan tới câu hỏi hiện các quận nội đô ở Hà Nội đa phần đều không đủ diện tích theo tiêu chí trong nghị quyết của Quốc hội (tối thiểu phải đạt 35km2), ông Thành cho biết việc sáp nhập còn phải căn cứ trên hai yếu tố đồng thời gồm quy mô dân số và diện tích.
Cụ thể, nếu diện tích tự nhiên của quận, huyện dưới 70% so với quy định diện tích tối thiểu 35km2, thì thuộc diện phải sáp nhập. Nhưng nếu diện tích không đạt 70% theo quy định, quy mô dân số phải đạt trên 200% so với yêu cầu tối thiểu là 150.000 người.
Ông Thành cho biết hiện quận Hoàn Kiếm chỉ có 5,29km2 diện tích tự nhiên thì quy mô dân số phải đạt trên 200% mới đạt diện không phải sáp nhập theo các tiêu chí. Tuy nhiên, việc sáp nhập còn phải tính đến yếu tố đặc thù và truyền thống lịch sử.
Thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập, theo ông, mới chỉ nằm ở rà soát, sau đó TP còn phải xây dựng phương án cụ thể.
"Sau khi Hà Nội có phương án tổng thể của Hà Nội, sẽ gửi qua Bộ Nội vụ để xem xét nghiên cứu, sau đó tiếp tục xây dựng phương án cụ thể" - ông Thành nói.
Quận Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa lớn của thủ đô. Trong ảnh: Cầu Thê Húc bắc qua hồ Hoàn Kiếm đi vào đền Ngọc Sơn - Ảnh: PHẠM TUẤN
Phải tính toán tới những yếu tố đặc thù cho quận Hoàn Kiếm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam - cho biết với TP Hà Nội, nếu áp dụng tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội thì các quận nội đô rất khó đảm bảo được tiêu chí diện tích tự nhiên.
Vì vậy, phải tính đến các yếu tố như tính đặc thù của thủ đô như chính quyền đô thị, đặc thù trong Luật Thủ đô. Ngoài ra, bà Oanh cho rằng phải tính đến việc quy hoạch của phố cổ vì đã rất lâu đời.
"Quy hoạch phố cũ từ thời Pháp, phải tính đến các yếu tố này để thuận lợi về giao thương, điều kiện văn hóa và đặc biệt là việc sinh sống của người dân" - bà nói.
Đánh giá về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, bà Oanh cho rằng việc này rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước theo tinh thần của nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản bộ máy hành chính.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, phải có lộ trình riêng cho Hà Nội, bởi đây là thủ đô ngàn năm văn hiến, có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và bộ mặt của cả nước.
"Hà Nội không thể nằm ngoài chủ trương theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng sẽ cần phải tính đến yếu tố cụ thể và yếu tố đặc thù cụ thể.
Sáp nhập quận Hoàn Kiếm không đơn giản như việc sáp nhập hai trường với nhau, mà sáp nhập hai trường với nhau lấy tên gì đã là một sự bàn luận lớn rồi. Chứ giờ sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận bên cạnh thì lấy tên quận nào cũng là cả một vấn đề đặt ra. Vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời, lại là trung tâm của thủ đô, nên phải cân nhắc rất kỹ" - PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online