Thủ tướng Phạm Minh Chính đã luôn nhấn mạnh điều này khi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật tại Tokyo ngày 16-12. Ông cũng nhắc lại lời của Thủ tướng Kishida Fumio rằng 'Hợp tác Nhật Bản - Việt Nam là không giới hạn'.

1 Viet Nam La Diem Den An Toan Trong The Gioi Bien Dong

Tiếp lãnh đạo Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt và lãnh đạo Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản cùng lãnh đạo một số tập đoàn lớn, Thủ tướng khẳng định sự chân thành, tình cảm, tin cậy chính trị là tài sản quan trọng nhất trong quan hệ hai nước - Ảnh: NHẬT BẮC

Một ngày bận rộn của Thủ tướng bắt đầu từ 7h sáng với cuộc ăn sáng, làm việc cởi mở với 10 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về vi mạch, bán dẫn. Ông đã giải đáp các thắc mắc, trao đổi thẳng thắn những vấn đề doanh nghiệp nước bạn quan tâm, đồng thời đưa ra những cam kết rõ ràng.

"Cảm ơn khi bạn đến, vui lúc bạn thành công"

Có thể đã có một chút băn khoăn của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Nhật khi họ lo rằng mình chậm chân hơn người khác trong việc tìm hiểu đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip tại Việt Nam.

Theo vị lãnh đạo Tập đoàn SBI Holdings, hiện đã có các tập đoàn công nghệ chip bán dẫn của Hoa Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc) đang xem xét đặt nhà máy ở Việt Nam, "vậy Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chip bán dẫn như thế nào trong tương lai?".

Cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện và việc hợp tác sản xuất chip bán dẫn được coi là ưu tiên hàng đầu của hai nước, lãnh đạo Công ty Denso hỏi "đâu là những điểm mạnh và thách thức của Việt Nam, ví như việc đào tạo nguồn nhân lực?".

"Chúng tôi muốn phát triển ngành sản xuất chip đột phá, tức là đi sau nhưng cần đi nhanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Ông mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến để Việt Nam có thể sớm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật. Ông cũng nhận xét "các doanh nghiệp Nhật Bản khi chuẩn bị đầu tư thì nghiên cứu rất kỹ, rất lâu nhưng khi triển khai thì rất nhanh".

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó có ưu tiên về thuế, đất đai, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách để phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực bán dẫn, như việc đào tạo để chuyển đổi 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin hiện nay để họ trở thành 1 triệu kỹ sư ngành bán dẫn.

Trong trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp nước bạn, Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng như tháo gỡ các vướng mắc liên quan chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn, nhất là việc sửa đổi các thông tư liên quan. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để không lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ trong năm 2024...

"Chúng tôi cần Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng tôi cảm ơn khi các bạn đến và vui khi các bạn thành công", Thủ tướng nói.

Ông cũng chia sẻ với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, giữ vững độc lập chủ quyền, ổn định chính trị và thực sự là điểm đến an toàn trong "cơn bão".

Trước đó, chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ông Ishiguro Norihiko cho biết theo các khảo sát của JETRO, trong sáu năm liên tục Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai trong các địa điểm mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư.

500.000 người Việt tại Nhật Bản là cầu nối bền chặt

Tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết với 350.000 người lao động đang làm việc, Việt Nam là cộng đồng lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật.

"Năm 2023 đánh dấu số lượng lớn, cao nhất từ trước đến nay khi số lao động Việt sang Nhật đạt mốc 85.000 người. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, tin tưởng của các nghiệp đoàn và doanh nghiệp Nhật", ông Dung nói.

Cho rằng 350.000 lao động trong số 500.000 người Việt tại Nhật là tài sản của mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai nước, Thủ tướng mong người lao động chúng ta luôn khát khao học hỏi, có ý chí vươn lên và kiên trì để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị...

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các bạn đã đi một quãng đường dài từ Việt Nam đến Nhật Bản, cần nỗ lực học tập, lao động thật tốt, học cái hay, kinh nghiệm, trí tuệ, phong cách làm việc chuyên nghiệp, lối sống văn minh, văn hóa tốt đẹp của người Nhật để khi trở về chúng ta đem theo và xây dựng đất nước mình", Thủ tướng chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch, lao động giữa hai nước.

Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác

Thủ tướng cùng các bộ trưởng, lãnh đạo một số địa phương đã chứng kiến việc trao đổi khoảng 30 văn bản ký kết, thỏa thuận hợp tác. Đáng chú ý như Nhà máy điện khí LNG Thái Bình trị giá 1,99 tỉ USD với sự hợp tác của Tập đoàn Trường Thành, Tokyo Gas và Kyuden International được trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư.

Đại diện Công ty Vinfast và Marubeni trao thỏa thuận hợp tác phát triển hệ kinh tế tuần hoàn cho pin xe điện. Công ty năng lượng xanh DEEP và Nippon Sanso Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khả thi về sản xuất hydro xanh tại Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng... Aeon Mall tiếp tục phát triển hệ thống của mình ở Việt Nam với việc ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại tại TP Cần Thơ, tỉnh Bắc Giang...

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cung cấp ODA cho dự án đường sắt tốc độ cao

2 Viet Nam La Diem Den An Toan Trong The Gioi Bien Dong

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - Ảnh: TTXVN

Chiều qua, Thủ tướng Kishia Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm tại Phủ thủ tướng Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển tích cực trong nhiều dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước thời gian qua cũng như việc tổng giá trị vốn vay ODA trong năm 2023 lần đầu vượt 100 tỉ yen kể từ năm 2017...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, công nghiệp phụ trợ, cụm công nghiệp mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế... tại Việt Nam; hỗ trợ, tạo điều kiện đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may...; thúc đẩy thủ tục kiểm dịch để mở cửa thị trường đối với bưởi da xanh Việt Nam và nho Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện thành công Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác ODA giữa hai nước gồm Công hàm trao đổi khoản vay lần 4 Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên, Công hàm trao đổi dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS) và Công hàm trao đổi dự án cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện K với tổng trị giá đạt khoảng 42,3 tỉ yen (gần 300 triệu USD).

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC