Sự 'lên bờ xuống xuống' của Việt Nam bắt đầu từ khả năng thích nghi chậm, đặc biệt là về môi trường pháp lý.
Chậm thích nghi
Trước nhận định cho rằng, Việt Nam sẽ "lên bờ xuống ruộng" khi hội nhập vì thiếu sự chuẩn bị, nhiều chuyên gia tỏ ra đồng tình.
Theo PGS.TS Vũ Trí Dũng, giảng viên khoa Marketing, ĐH Kinh tế Quốc dân, sự "lên bờ xuống ruộng" bắt đầu ngay từ khả năng thích nghi của Việt Nam rất chậm chạp. Điều đó xuất phát từ văn hóa Việt Nam chưa quen với luật, nguyên tắc.
"Từ văn hóa kinh doanh đến ý thức người dân Việt Nam ít khi tuân thủ luật.
Khi hội nhập quốc tế, điều đầu tiên là phải tuân thủ luật, nói cách khác khác luật là nền tảng của mọi quan hệ, muốn phát triển trước hết phải tuân thủ luật và các thỏa thuận song phương, đa phương, các thông lệ quốc tế được coi như công ước mà Việt Nam lại rất ngại cái đó.
Đó là một trong những đặc trưng của văn hóa Việt Nam - duy tình chứ không duy lý.
Về hội nhập kinh tế, thực ra điều đó không quá đáng sợ, "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ", tùy theo khả năng mà thích nghi về năng lực, nhưng sợ nhất là môi trường pháp lý của Việt Nam chậm thay đổi', PGS.TS Vũ Trí Dũng chỉ rõ.
Người Thái đã thâu tóm hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam
Một trong những phương cách để bảo vệ nền sản xuất trong nước khi hội nhập, đó chính là đặt ra các hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm.
Theo PGS.TS Vũ Trí Dũng, đây là biện pháp thường dùng khi biện pháp thuế trở nên khó áp dụng khi các hiệp định song phương và đa phương được ký kết.
Tuy nhiên, việc dựng hàng rào kỹ thuật đối với các nước có nền công nghiệp-kỹ thuật phát triển dễ dàng hơn nhiều so với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chẳng hạn những tiêu chuẩn về khí thải, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm...
"Về nguyên tắc có thể sử dụng hàng rào kỹ thuật nhưng trên thực tế thì rất khó vì nền công nghiệp- kỹ thuật của các nước đang phát triển thường khác hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Mỗi nước phải tìm cho mình hàng rào kỹ thuật vừa đáp ứng thông lệ quốc tế, vừa mang đặc thù của riêng mình để hạn chế sự xâm nhập của nước ngoài", ông nói.
Bàn thêm về vấn đề này, Luật sư (LS) Nguyễn Chính, Luật sư Thành viên của Công ty Luật Hợp Danh Nghiêm & ChínhTrọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc xác lập hàng rào kỹ thuật là một hình thức bảo hộ mậu dịch biến tướng, không riêng gì Việt Nam, các quốc gia đều áp dụng hình thức này mà không bị trở ngại bởi các hiệp định thương mại tự do (FTA).
"Đối với lĩnh vực bán lẻ, ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam đã được bảo hộ đến khoảng 20 năm nhưng rồi cũng chỉ có một Co.opmart khá lên, trong khi các nhà phân phối, doanh nghiệp Việt khác chẳng thể vươn lên trong suốt thời kỳ đó.
Việt Nam đã gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế nên không có cách gì chơi riêng, cái Việt Nam có thể chơi riêng là sử dụng các hàng rào kỹ thuật.
Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ Việt Nam vẫn chủ yếu dùng chính sách bảo hộ bằng luật lệ chứ không phải hàng rào kỹ thuật.
Đã gọi là hàng rào kỹ thuật thì tùy từng lĩnh vực người ta sẽ xác lập hàng rào đó.
Ở Việt Nam, nếu có, thì vô cùng ít, chúng ta thường sử dụng biện pháp tự vệ thương mại. Ví dụ, thép nhập khẩu nhiều quá làm ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước, biện pháp tự vệ thương mại được WTO thừa nhận là nâng thuế suất nhập khẩu lên để bảo hộ trong nước.
Ở Mỹ, khi nhập khẩu cá tra, cá ba sa, tôm họ vẫn đánh thuế nhập khẩu cao.
Đây không hẳn là câu chuyện bảo hộ trong nước mà đôi khi họ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và những nhà nhập khẩu khác cùng loại kêu ca thì họ đánh thuế cao".
LS Nguyễn Chính cũng thừa nhận, ở các nước phát triển, việc lập hàng rào kỹ thuật dễ dàng hơn các nước đang phát triển vì họ có đội ngũ KHKT nghĩ ra những chiêu kỹ thuật mà chính phủ có thể xác lập.
Người Việt chưa chú trọng cái này, chưa có đội ngũ hoạch định chính sách đủ giỏi, đủ trình độ thiết lập hàng rào kỹ thuật mà không phạm luật.
Ngoài hàng rào kỹ thuật về mặt ý tưởng còn phải có hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ việc kiểm tra và giám sát và Việt Nam chưa chuẩn bị cái này.
Luật Cạnh tranh không theo kịp hội nhập
Có ý kiến cho rằng, hàng rào kỹ thuật chỉ được thiết lập khi dựa vào Luật cạnh tranh, trong khi Luật Cạnh tranh 2004 đã không tính tới vấn đề cạnh tranh trong một thế giới hội nhập mà Việt Nam đang gặp phải hiện nay.
Đơn cử, chúng ta đã không tính tới hành vi bóp nghẹt lợi nhuận, vốn được các nước có hệ thống pháp luật cạnh tranh phát triển coi là phạm pháp, khiến cho hàng Việt, phim Việt đang bị chèn ép trong chính thị trường nội địa.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Trí Dũng, đó là lỗi của nhà quản lý.
"Tất cả những luật, thông lệ đó chúng ta đang cập nhật và giữ nó quá lâu. Về cơ bản, các luật Việt Nam được "copy" theo luật nước ngoài nhưng luật thay đổi thường xuyên theo các hành vi và phải thích nghi với thực tế để tránh tình trạng lách luật. Bởi Việt Nam không cập nhật được, sử dụng luật quá cũ, các văn bản dưới luật nhiều khi cũng không cụ thể, chặt chẽ dẫn tới việc chúng ta bị lép vế.
Ngay như hành vi bóp nghẹt lợi nhuận, chuyển giá..., các nước phương Tây đều kiểm soát được nhưng chúng ta không nắm được, không hiểu biết và không chịu cập nhật, đặc biệt không chịu thay đổi. Ở góc độ này, đây là lỗi của nhà quản lý".
Phân tích thêm, LS Nguyễn Chính cho hay, trong cạnh tranh có hai thứ cạnh tranh không lành mạnh.
Ví dụ, hàng hóa nước ngoài nhập vào Việt Nam mà bán dưới chuẩn thì theo Luật Cạnh tranh của Việt Nam, nếu thấy các nhà nhập khẩu nhập ồ ạt và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền sản xuất trong nước thì cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam có thể khởi xướng điều tra và tăng thuế nhập khẩu lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Một biện pháp khác là chống bán phá giá, việc điều tra đòi hỏi phức tạp hơn, phải chứng minh rằng giá bày bán dưới giá thành sản xuất.
Một ví dụ khác được LS Nguyễn Chính dẫn chứng là câu chuyện gây xôn xao trên truyền thông gần đây là việc MegaStar, với tên gọi mới là CGV, bị cáo buộc sử dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường rạp chiếu phim để áp đặt giá bất hợp lý lên các nhà phát hành, giúp mảng kinh doanh phát hành (phim trong nước) của mình tận thu.
Có ý kiến cho rằng ở đây có bóng dáng của một vụ việc bóp nghẹt lợi nhuận.
Theo LS Nguyễn Chính, vị trí độc quyền và vị trí thống lĩnh thị trường luật của Việt Nam đều có tiêu chí và các tiêu chí hoàn toàn lấy từ luật quốc tế.
"Vấn đề ở Việt Nam là luật thì có nhưng hiện nay mới chỉ có báo chí và truyền thông vào cuộc.
Như vụ việc liên quan đến CGV, có nhiều ý kiến nói doanh nghiệp này nắm vị trí thống lĩnh thị trường và giờ họ áp đặt giá bất hợp lý lên các nhà phát hành.
Nhưng đó mới là báo chí nói, nếu muốn xác định CGV có lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hay không, các doanh nghiệp bị chèn ép phải kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu điều tra về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Để làm điều đó phải mất nhiều tháng, chuẩn bị hồ sơ điều tra đầy đủ chứng minh CGV đang chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, CGV lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Ngoài ra, việc khởi kiện có thể do chính Cục Quản lý cạnh tranh khởi xướng nhưng vấn đề là ai bị thiệt thì người đó phải lên tiếng, Nhà nước không có đủ thì giờ để làm việc đó. Vấn đề ở đây không phải là luật mà là thực thi như thế nào".
Trước câu hỏi, Luật Cạnh tranh 2004 đã có quy định rõ ràng về hành vi bóp nghẹt lợi nhuận hay chưa, LS Nguyễn Chính cho biết: "Tôi không thấy từ nào là bóp nghẹt lợi nhuận trong luật nhưng không nhất thiết phải dùng cụm từ đó. Phải định nghĩa thế nào là bóp nghẹt lợi nhuận? Có khả năng nó rơi vào phần lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền".
Theo LS Nguyễn Chính, Luật Cạnh tranh 2004 chưa đủ hội nhập vì thế giới phát triển và thay đổi rất nhiều. Đã 12 năm trôi qua kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, trong khi chu kỳ để sửa luật và bộ luật là 12 năm nhưng càng ngày chu kỳ ấy càng ngắn đi vì thế giới phát triển quá nhanh và mạng truyền thông, internet khiến sự thay đổi ấy trở nên nhanh chóng hơn.
"Đã đến lúc chúng ta phải rà soát những cam kết mới của chúng ta mà Luật Cạnh tranh không có, những hình thái cạnh tranh không lành mạnh mới đã xuất hiện mà chúng ta chưa quy định, chẳng hạn như hành vi bóp nghẹt lợi nhuận.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng những hội thảo, nghiên cứu, các nhà nghiên cứu chỉ ra sự thiếu và yếu của luật đã nhiều thì phải sửa.
Trong khi chờ đợi, nếu cơ quan quản lý hiểu rõ và quyết tâm, thấy vấn đề gì đang đặt ra và luật còn mơ hồ thì có thể ra những văn bản dưới luật để diễn giải", LS Nguyễn Chính gợi ý.
Thành Luân
Báo Đất Việt