Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 29,56 triệu tấn than, tăng hơn 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu lớn của nhiệt điện, trong khi đó, giá than Trung Quốc về Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng.

Việt Nam quay trở lại ồ ạt nhập khẩu than cho nhiệt điện

So với hai năm gần nhất, mức nhập than của 7 tháng năm 2023 của Việt Nam bằng 93% tổng lượng than nhập của cả năm 2022 (31 triệu tấn), bằng 81% năm 2021 (36 triệu tấn). Điều này cho thấy, xu hướng nhập khẩu than về Việt Nam tăng mạnh sau 2 năm ảnh hưởng Covid-19.

Mức nhập khẩu than trong 7 tháng qua bình quan ước đạt 4 triệu tấn/tháng. So với năm 2020, năm Việt Nam nhập khẩu số lượng than rất lớn hơn 54,8 triệu tấn, tương đương khoảng 4,5 triệu tấn/tháng. Trường hợp, nếu 5 tháng tiếp theo, các doanh nghiệp nhập khẩu bình quân 4 triệu tấn, Việt Nam có thể sẽ nhập từ 45 triệu tấn đến gần 50 triệu tấn, tương đương mức nhập đỉnh cao năm 2020.

1 Viet Nam Nhap O At Than Cho Nhiet Dien Bat Ngo Gia Than Nhap Tu Trung Quoc Cao Ngat Nguong

Sau hai năm Covid-19, Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu than ồ ạt do nhu cầu nhiệt điện tăng mạnh (Ảnh: TKV).

Kim ngạch nhập khẩu than tương đương 4,3 tỷ USD, gần 90.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 3,3 triệu đồng/ tấn. Kim ngạch nhập khẩu giảm 600 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Mức giá bình quân mỗi tấn than nhập khẩu 7 tháng năm 2023 thấp hơn 2,5 triệu đồng so với mức giá than nhập khẩu bình quân 7 tháng năm 2022. Như vậy, điều này trái với các con số đưa ra trước đó của TKV cũng như các nhà máy nhiệt điện đưa ra.

Về xuất xứ các mặt hàng than nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu than lớn nhất từ 3 nước là Úc, Indonesia, Nga, một phần của Trung Quốc. Lượng than nhập khẩu từ các nước này là hơn 26,1 triệu tấn, chiếm gần 89% tổng lượng nhập.

Giá than nhập từ 4 nước kể trên theo báo cáo của Tổng cục Hải quan rẻ hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng than nhập của các thị trường này gia tăng mạnh so với 7 tháng trước đó. Cụ thể, Úc trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhập hơn 12,5 triệu tấn, hơn 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hơn 2,13 tỷ USD, giảm hơn 860 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhập than từ Úc hiện chỉ khoảng 3,9 triệu đồng tấn, thấp hơn 2,66 triệu đồng/tấn so với giá bình quân 7 tháng năm 2022 (6,56 triệu đồng/tấn).

Với than nhập từ Indonesia, đạt hơn 11,4 triệu tấn, tăng hơn 5,22 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Mức giá nhập khẩu bình quân than từ Indonesia về Việt Nam trong 7 tháng qua là 2,6 triệu đồng/tấn, giảm hơn 1,1 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Than nga, lượng nhập 7 tháng qua dao động 2,1 triệu tấn, tăng hơn 600.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch là hơn 448 triệu USD, tương đương khoảng 4,9 triệu đồng/tấn. Giá than nhập từ Nga thấp hơn 1,6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2022 (6,5 triệu đồng/tấn).

Than Trung Quốc, 7 tháng qua các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhập vỏn vẹn hơn 168.500 tấn, kim ngạch hơn 50,5 triệu USD. Lượng nhập khẩu giảm gần 400.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhập than từ Trung Quốc về Việt Nam thời gian qua cao nhất trong các nước cung ứng than cho Việt Nam 6,8 triệu đồng/tấn.Mức này giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước khoảng 12,1 triệu đồng/tấn.

Theo một số doanh nghiệp ngành than, nhập khẩu than gia tăng trong 7 tháng qua do nhu cầu nhiệt điện, các nhà máy luyện thép của Việt Nam rất lớn. Hầu hết lượng than nhập từ Indonesia, Nga và Úc đều phục vụ cho nhiệt điện, đa số là loại than cám, phẩm cấp thấp, để phối trộn với nhiều loại than khác để phục vụ các nhà máy phát điện.Trong đó một phần than nhập từ Trung Quốc, Úc và Nhật là than Antranxit, than cốc... có độ bền cao, phục vụ luyện thép. 

Về mức giá, theo Tổng cục Hải quan, mức giá bình quân trên là giá khai báo của doanh nghiệp khẩu với cơ quan thông quan. Với mức giá này, có thể sẽ có loại than cao thấp khác nhau. Tuy nhiên, chủng loại than nhập khẩu hiện nay vẫn chỉ xoay quanh các loại than cám, than đá phục vụ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, luyện gang thép và kính.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC