Sáng 1-1-2010, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: Vinashin thực sự đã sụp đổ mặc dù “có thể dùng từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình”.
Theo ông: Sự sụp đổ đó “đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỉ đồng. Món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1.000 tỉ đồng một năm phải làm quần quật không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi...”.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã trân trọng đề nghị: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của ủy ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra”.
UBTV Quốc hội không những không thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập mà còn để cho Chính phủ “tái cơ cấu” Vinashin thay vì để Vinashin phá sản.
Quyết định này chỉ cứu được Nguyễn Tấn Dũng chứ không cứu được Vinashin còn tiền của dân thì không chỉ mất 100.000 tỷ như các đại biểu Quốc hội kêu gào 13 năm trước[nhờ những lợi thế trước chủ nợ quốc tế khi phá sản và không làm phát sinh những khoản nợ mới].
Với một đất nước có bờ biển dài hơn 3.000km, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu cũng là một hướng đi, nhưng vấn đề của Nguyễn Tấn Dũng là đã chủ trương để Vinashin cũng như để 19 tập đoàn, tổng công ty lúc ấy kinh doanh đa ngành. Riêng Vinashin đã lập 240 công ty thành viên, kinh doanh mọi ngành nghề và mặc sức chia chác khoản tiền 700 triệu USD từ nguồn bán trái phiếu chính phủ.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Nguyễn Tấn Dũng coi doanh nghiệp nhà nước như một động lực phát triển”. Cho phép các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành cũng như tháo khoán các kênh đầu tư mà nguồn vốn cho khu vực này lại thường bắt đầu từ ngân sách. Ông Phan Văn Khải giải thích: “Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tấn Dũng muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ sau bốn năm”.
Ngay trong năm 2007, ông Dũng đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Theo ông Trần Xuân Giá:
“Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, mỗi khi tổng đầu tư lên tới trên 30% GDP là lập tức thủ tướng được báo động. Trước năm 2006, năm có tổng đầu tư lớn nhất cũng chỉ đạt 36%. Trong khi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức đã đưa tổng mức đầu tư lên 42% và đạt tới 44% GDP trong năm 2007”.
Khi ông Đỗ Mười nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, để có ngoại tệ, Chính phủ phải cho một nhà đầu tư của Nhật thuê khu nhà khách ven hồ Thiền Quang. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng, Việt Nam có một khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 23 tỷ đôla. Nhưng, di sản lớn hơn mà Thủ tướng Phan Văn Khải trao lại cho ông Dũng là một Việt Nam đã hoàn thành thủ tục để gia nhập WTO và một nền tảng chính sách nội địa đúng hướng.
Trong khoảng thời gian 1996-2000, cho dù chịu mấy năm khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5% trong khi lạm phát chỉ là 3,5%. Trong khoảng thời gian 2001-2005, lạm phát có cao hơn, 5,1%, nhưng tăng trưởng vẫn dương: 7%.
Chỉ sau mấy tháng nhận chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa GDP tăng trưởng tới mức kỷ lục: 8,5% vào tháng 12-2007; đồng thời cũng đã đưa lạm phát vào tháng 8-2008 lên tới 28,2%. Tháng 3-2009, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy: 3,1%. Trong sáu năm ông Dũng giữ chứ Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát.
Năm 2007 GDP tăng trưởng ở mức 8,48% trong khi lạm phát lên tới 12,63%. Năm 2008 mức tăng trưởng giảm xuống 6,18% trong khi lạm phát là 19,89%. Năm 2009 GDP chỉ tăng 5,32% lạm phát xuống còn 6,52% do các nguồn đầu tư bị cắt đột ngột. Năm 2010 GDP tăng đạt mức 6,78% nhưng lạm phát tăng lên 11,75%. Năm 2011 tăng trưởng GDP giảm còn 5,89% trong khi lạm phát lên tới 18,13%.
Năm 2012, nền kinh tế gần như ngưng trệ, lạm phát ở mức 6,81% nhưng GDP cũng xuống tới 5,03% thấp kỷ lục kể từ năm 1999. Nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như không lối thoát.
Di sản tệ hại nhất của Nguyễn Tấn Dũng không phải là tham nhũng, là sự tha hóa của bộ máy mà là sự phản bội lại công cuộc cải cách theo hướng kinh tế thị trường.
Đổi mới của Việt Nam khởi đầu 12-1986 chỉ mới ở mức cho phép “phát triển kinh tế nhiều thành phần”. Phải đến Đại hội VII, 1991, mới bắt đầu xuất hiện khái niệm "kinh tế thị trường". Tháng 1-1994, trước lo sợ "chệch hướng", "kinh tế thị trường" được thêm đuôi "có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Mặc dù những người soạn thảo “Cương lĩnh ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” tại Đại hội VII đã biết vai trò hạn chế của quốc doanh nhưng, "định hướng xã hội chủ nghĩa” đặt các chính sách không thể nằm ngoài nguyên tắc "quốc doanh là chủ đạo".
Từ 1991, cải cách, bắt đầu trên nền tảng Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự 1995, đặc biệt, Luật Các Tổ chức Tín dụng 1998, Luật Doanh Nghiệp 1999… đều đưa đất nước theo hướng phát triển đúng đắn.
Nếu như Chính phủ Phan Văn Khải đã dùng mọi nỗ lực để bãi bỏ giấy phép con, trên nguyên tắc, nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết và “điều gì dân chúng làm được thì nhà nước không làm”. Thì, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một mặt ồ ạt nâng các doanh nghiệp nhà nước lên tập đoàn, một mặt để các bộ ngành mặc sức cài cắm điều kiện kinh doanh, giấy phép [chỉ trong khoảng 2008-2014, xuất hiện mới khoảng 7000 giấy phép con]. Xu hướng này đã được cảnh báo từ 2014 nhưng cho đến nay vẫn chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu.
Mô hình doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành đã chết nhưng những chính sách đi chệch khỏi định hướng kinh tế thị trường thì vẫn còn gây hậu quả sâu sắc và lâu dài. Nó không chỉ khiến cho doanh nghiệp luôn bị nhũng nhiễu mà còn làm cho bộ máy nhà nước càng ngày càng lộng quyền.
Việc thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập để hạch tội Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan vẫn còn rất cần thiết.
Việc thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập để hạch tội Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan vẫn còn rất cần thiết. Nhưng, cách tiếp cận từ những vụ như Gang Thép Thái Nguyên hay Vinashin… không phải chỉ là đưa ai đó ra tòa. Chỉ cần so sánh Thép Thái Nguyên với Thép của Hòa Phát là đã đủ để thấy vai trò của nhân dân trong kinh tế thị trường.
“Định hướng xã hội chủ nghĩa” không phải là cản trở lớn nhất của kinh tế thị trường, “quốc doanh chủ đạo” mới là vấn đề của kinh tế thị trường. Nếu không thay “quốc doanh là chủ đạo” bằng nguyên tắc “hiệu quả của nền kinh tế mới là chủ đạo” thì Việt Nam chẳng những không có kinh tế thị trường mà cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” Đảng muốn cũng không bao giờ có.
Nhà báo Huy Đức