VN Pharma làm giả cả nội dung lẫn hình thức
Liên quan đến khẳng định của Bộ Y tế, thuốc điều trị ung thư H-Capita do Công ty VN Pharma nhập khẩu không phải là hàng giả, trao đổi với báo chí, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết bản thân không đồng tình với kết luận trên.
Ông Hùng khẳng định, thuốc trị ung thư H-Capita là hàng giả. Đáng chú ý theo ông Hùng, VN Pharma làm giả cả nội dung lẫn hình thức.
Cụ thể, ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ đưa ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc.
Theo ông Hùng, VN Pharma đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các chuyên gia khẳng định thuốc H-Capita là thuốc giả
Ông Hùng cho biết, từ tháng 4/2015 khi kiểm tra thuốc của VN Pharma, Hội đồng Bộ Y tế đã kết luận thuốc H-Capita không được sử dụng cho người. Sự việc làm giả hết sức nghiêm trọng. Việc các cơ quan của Bộ Y tế cho rằng thuốc 97,5% có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký nên không kết luận được hàng giả, hành vi giả là một cách ngụy biện.
“Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác”, tờ Dân trí dẫn lời ông Hùng nói.
Thuốc thật sao phải làm giả giấy tờ?
GS Phạm Gia Khải, Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia khi trao đổi với báo chí cũng khẳng định H-Capital là thuốc giả.
3 nguyên nhân được vị GS chỉ ra để minh chứng cho ý kiến của mình. Thứ nhất xuất xứ công ty đó không phải ở Canada (giả); thứ hai là giấy tờ giả, con dấu giả; thứ 3, thuốc đó không được dùng cho người”, ông Khải nhấn mạnh.
“Nếu đã là thuốc thì giấy tờ phải hợp lệ. Nếu thuốc thật thì làm sao phải làm giấy tờ giả?
Có những thuốc lý luận tốt nhưng tương đương về lâm sàng không có. Lâm sàng là thước đo cuối cùng. Tài liệu nào nói thuốc H-Capita có lợi? Nói có hoạt chất tức vẫn là thuốc là ngụy biện”, GS Khải nêu quan điểm.
LS Lê Cao, đoàn LS TP Đà Nẵng cũng khẳng định với Đất Việt, trong trường hợp của VN Pharma, nếu xử lý tội buôn lậu sẽ không đảm bảo xử lý đúng bản chất hành vi phạm tội và có dấu hiệu nương nhẹ hành vi rất nguy hiểm xảy ra.
“Ở đây phải thấy việc giả mạo giấy tờ để cố đưa một lượng thuốc chữa ung thư không đúng chất lượng, được xác định đánh giá là hàng giả vào VN thì khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ trong trường hợp này gần nhất, cấp bách nhất là những người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc giả này, là tính mạng và sức khỏe của người dân sẽ phải dùng nó, đó là điều quan trọng bức thiết hơn quy cũ phép tắc về sự hợp pháp của thủ tục buôn bán.
Nếu xử lý tội buôn lậu rõ ràng sẽ không đảm bảo xử lý đúng bản chất hành vi phạm tội và có dấu hiệu nương nhẹ cho hành vi rất nguy hiểm đã xảy ra”, LS Lê Cao nhấn mạnh.
Những khẳng định trên của các vị chuyên gia hoàn toàn ngược với ý kiến của đại diện Bộ Y tế tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.
Trả lời những băn khoăn của báo chí về trường hợp Công ty VN Pharma, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến khẳng định, H-Capita không phải thuốc giả.
Ông Tiến đưa ra một số dẫn chứng, bao gồm việc thuốc H-Capita có dược chất Capecitabine trong khi theo Luật Dược năm 2005, định nghĩa thuốc giả là không có dược chất. Ngoài ra, dược chất này có hàm lượng kết quả giám định là 97,5%, đảm bảo tiêu chuẩn cho phép là không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%.
“Thuốc H-Capita không thuộc một trong những quy định thuộc khoản 24, Luật Dược 2005. Do đó, H-Capita không phải là thuốc giả”, ông Tiến nhấn mạnh.
Hà Đông
Báo Đất Việt