Thời gian gần đây, trên VTV, đặc biệt là chương trình “Chuyển động 24h” liên tục bị “hạn”.
Hồi tháng 5-2016, VTV từng xin lỗi một số người dân tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa về việc dàn dựng trong phóng sự “Dùng chổi quét rau” trong chương trình “Café sáng với VTV3”.
Mới nhất là chương trình “Chuyển động 24h” do VTV thực hiện bị công kích dàn cảnh làm phóng sự phá rừng ở Đắk Lắk, sau khi thông tin này được Công an tỉnh Đắk Lắk công bố tại buổi họp báo ngày 2-8, dù sau đó VTV phủ nhận sự việc.
Ai cũng biết, hư cấu chỉ có trong các tác phẩm văn học.
Trong báo chí, đặc biệt phóng sự điều tra, 99% đều phải là sự thật. 1% còn lại, tác giả hoặc tòa soạn phải giấu tên nhân vật trong bài viết của mình vì lý do nhân đạo.
Không chỉ ở Việt Nam, báo chí Mỹ, nơi được xem là trung tâm nghiệp vụ báo chí quốc tế, nhiều bài điều tra đoạt giải Pulitzer phải buộc trả giải vì bị phát hiện “dựng chuyện” .
Nhiều độc giả vẫn còn nhớ năm 1980, phóng viên của tờ Washington Post Janet Cooke thực hiện bài viết về cậu bé Jimmy 8 tuổi bị nghiện ma túy. Bài viết ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cảnh sát Mỹ, họ quyết tìm cho ra cậu bé đó nhưng hóa ra câu chuyện được viết bằng trí tưởng tượng của nhà báo.
Cooke đã phải tự xin trả lại giải Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ.
Theo TS Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 96% các bản quy tắc đạo đức báo chí trên thế giới đều đưa nguyên tắc tôn trọng sự thật lên vị trí số 1.
Theo hiểu biết của tôi, VTV là cơ quan báo chí đầu tiên tại Việt Nam có “Bản quy tắc tác nghiệp” ban hành đầu năm 2013.
Theo đó, quy tắc “Đảm bảo sự chính xác và trung thực” được đặt ở vị trí thứ 2.
Trong bản Quy tắc đạo đức nghề nghiệp làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành tháng 8-2005, quy tắc “Hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng sự thật” được đặt ở vị trí thứ 3.
Ngay khi bước chân vào một cơ quan báo chí, việc đầu tiên một phóng viên tập sự cần phải nằm lòng là thuộc hết bản quy tắc đạo đức nơi này đưa ra. Đạo đức nghề nghiệp báo chí luôn được dư luận hiện nay quan tâm và kêu ca.
Nhưng việc hành nghề không trung thực, đạo ý tưởng... có lẽ xuất phát từ nghiệp vụ kém.
Trong phóng sự điều tra (truyền hình), khoảnh khắc quan trọng nhất là quay được cảnh “đinh” mà bài điều tra muốn nói đến.
Phóng sự “CSGT ăn hối lộ” nhất thiết phải có cảnh các anh CSGT nhận tiền từ tài xế rồi cho xe đi mà không lập biên bản xử phạt.
Cảnh phá rừng phải là những thước phim quay tận tay lâm tặc đang đốn từng cây gỗ quý. Điều tra về học sinh hút shisa, phải là những clip trực tiếp các em còn mặc đồng phục trường học phì phèo rồi nhả khói shisa…
Có thể phóng viên đã tận mắt chứng kiến cảnh học sinh hút shisa nhưng không thể quay được, sau đó về nhờ mấy em khác “diễn” lại để đưa vào bài điều tra.
Có thể nhóm điều tra vụ phá rừng từng chứng kiến có người cưa gỗ quý thật nhưng thời điểm đó không thể quay lại được nên đã “thuê” 3 người cưa một cây gỗ đã hạ sẵn để thực hiện “điều tra”?
Nếu vậy, ngay cả khi phóng sự về nạn phá rừng của VTV là đúng hết nhưng chỉ một chi tiết dàn dựng (nếu có) này thôi, công sức và tâm huyết của nhóm điều tra đều đổ sông đổ biển.
VTV là đài truyền hình quốc gia.
Về mặt lý thuyết, những người làm chuyên môn nơi đây được xem là tinh túy của nền báo chí cả nước.
Chính vì vậy, những sai sót về nghiệp vụ, vô tình hay cố ý hoặc tai nạn nghề nghiệp sẽ được nhiều đồng nghiệp chú ý. Vài năm trở lại đây, những “tai nạn” kiểu này trên báo chí ngày càng nhiều, không chỉ riêng VTV.
Đã đến lúc mỗi cơ quan báo chí cần phải có Bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của riêng mình và phải đặt trang trọng quy tắc trung thực lên hàng đầu chứ không phải sự trung thực chỉ được đặt ở hàng thứ 2 và thứ 3 như hiện nay.
Theo Huỳnh Bách - NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐIỆN TỬ