Bị cáo Tô Anh Dũng được dẫn giải đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 17-7, phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu bước sang ngày xét xử thứ năm. Hội đồng xét xử kết thúc phần thẩm vấn chuyển sang tranh tụng, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo.
Vụ chuyến bay giải cứu: Đề nghị tuyên phạt tử hình cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế
Điều tra dấu hiệu tội rửa tiền
Trong phần luận tội, viện kiểm sát đưa ra thông tin đáng chú ý khi nhận định phần thẩm vấn cho thấy một số bị cáo có dấu hiệu tội rửa tiền nên cũng cần điều tra làm rõ trong giai đoạn sau của vụ án.
Theo viện kiểm sát, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức quyền hạn cao trong cơ quan nhà nước. Trong khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo, che giấu tội phạm, thậm chí tác động nhờ giúp đỡ để các bị cáo, nhóm doanh nghiệp không bị xử lý hình sự. Đến nay một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội.
"Một số bị cáo nhận hối lộ đã bất chấp biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân", viện kiểm sát đánh giá và cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng hành vi, mức độ phạm tội của các bị cáo.
Tuy nhiên, hầu hết bị cáo đều có nhân thân tốt, viện kiểm sát cũng ghi nhận việc khắc phục hậu quả của các bị cáo nên đề nghị tòa cân nhắc, xem xét khi lượng hình.
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Các thuộc cấp của ông Dũng gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, bị đề nghị 18-19 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự, bị đề nghị 9-10 năm tù; Lê Tuấn Anh, cựu chánh văn phòng Cục Lãnh sự, bị đề nghị 4-5 năm tù; Lưu Tuấn Dũng, cựu phó phòng bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, bị đề nghị 2-3 năm tù.
Nhóm bị cáo gồm các cán bộ đại sứ quán gồm: Vũ Hồng Nam, cựu thứ trưởng, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bị đề nghị 4-5 năm tù; Nguyễn Hồng Hà - cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nhật Bản, bị đề nghị 5-6 năm tù; Lý Tiến Hùng, chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bị đề nghị 2-3 năm tù; Vũ Ngọc Minh, cựu đại sứ Việt Nam ở Angola, bị đề nghị 3-4 năm tù.
Tất cả những người trên bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ.
Cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH
Bị cáo Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia, bị đề nghị 5-6 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh cùng là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia, cùng bị đề nghị 4-5 năm tù.
Bị cáo Đặng Minh Phương, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia, bị đề nghị 2-3 năm tù.
Bốn bị cáo trên cùng bị truy tố, xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong suốt bốn phiên xét hỏi, nhóm bị cáo gồm nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao trên đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, những người này đều biện minh rằng "không đòi hỏi", "không ép buộc" mà được các doanh nghiệp "cảm ơn" sau khi tổ chức các chuyến bay giải cứu.
Ở chiều ngược lại, các bị cáo là chủ các doanh nghiệp thì khai bị các cựu quan chức yêu cầu phải chi tiền, ngã giá cả trăm triệu một chuyến bay giải cứu hoặc gây khó dễ ép họ phải chung chi. Một số ít bị cáo khai "tự nguyện cảm ơn".
Ông Tô Anh Dũng thừa nhận 37 lần nhận hối lộ khi cấp phép các chuyến bay giải cứu, tổng cộng 21,5 tỉ đồng. Tuy nhiên cựu thứ trưởng giải thích "không có mưu đồ, không đòi hỏi" mà do "không nhận thức được" việc nhận tiền là vi phạm.
Tuy nhiên, đánh giá lời khai của các bị cáo về việc không nhận thức hành vi nhận tiền là vi phạm, viện kiểm sát cho rằng trong phần thẩm vấn một số bị cáo đã "lập lờ, đánh lận" khi biện minh việc nhận tiền chỉ là được "cảm ơn".
"Hành vi nhận tiền của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ. Các bị cáo đang làm chức trách nhiệm vụ nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước", viện kiểm sát lập luận.
"Không thể coi là cảm ơn khi các doanh nghiệp buộc phải đưa tiền cho các bị cáo để được cấp phép chuyến bay giải cứu", viện kiểm sát tiếp tục đưa ra quan điểm, và một lần nữa khẳng định hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ.
Theo viện kiểm sát, lời khai của bị cáo Tô Anh Dũng (cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao) phù hợp với lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa và tài liệu khác. Có căn cứ xác định quá trình cấp phép các chuyến bay combo, ông Dũng nhận 21,5 tỉ đồng từ đại diện 13 doanh nghiệp.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng, tại phiên tòa thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, phù hợp với lời khai của các bị cáo, tài liệu khác có trong vụ án.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng nghe viện kiểm sát luận tội - Ảnh: DANH TRỌNG
Ông Tô Anh Dũng nói khi nhận 21,5 tỉ 'không nhận thức được là hành vi vi phạm'
Bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ khi cấp phép các "chuyến bay giải cứu", tổng cộng 21,5 tỉ đồng, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định “không có mưu đồ, không đòi hỏi” mà do “không nhận thức được” việc nhận tiền là vi phạm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online