Em Nguyễn T.N (lớp trưởng lớp 6/2, Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết trên Một thế giới, trước khi em H.L.N bị phạt 231 cái tát thì có khoảng 10 học sinh khác nhận các hình thức phạt tát tương tự.
Theo nguồn trên, ngay trong ngày 19/11 - ngày mà em N bị tát, thì có 2 em khác cũng phải chịu hình phạt tương tự do nói chuyện riêng trong lớp, đó là Lê Vũ H, Phan Văn P. Mỗi bạn lãnh 230 cái tát.
Cô giáo Thủy. Ảnh: Lê Phi Long/Lao động
Theo ghi nhận của Pháp luật TP.HCM, hôm mà H và P bị phạt tát thì N bị buộc phải tham gia tát hại bạn này. Ngược lại, khi N bị phạt, H và P tham gia tát em.
Nguồn trên cho hay, có 11 học sinh bị phạt theo quy định mà cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977, chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh) đặt ra, tổng cộng các em hứng chịu 901 cái tát mạnh.
Trong số đó, có thể kể đến là N bị tát 231 cái, hai em Lê Vũ H và Phan Văn P mỗi em lĩnh 230 cái tát (460 cái), ngoài ra còn 7 học sinh khác mỗi em bị chỉ định lĩnh 30 cái tát (210 cái).
Do giáo viên Thủy đặt ra quy định nếu bạn nào tát nhẹ thì sẽ bị phạt ngược 10 cái tát nên các em đều phải chịu những cú tát mạnh.
Căn nhà của gia đình em N. Ảnh: Một thế giới
Liên quan tới việc mỗi học sinh tát N 10 cái, cô Thủy nói với Lao động, đúng là có chuyện tát còn cụ thể thế nào thì cô không biết vì khi đó đang dạy lớp khác.
Nữ giáo viên cho hay, sau buổi họp lớp gần đây, cô nói với cả lớp nếu bạn nào nói tục chửi thề thì sẽ bị các bạn bên cạnh "vả vào mồm", học sinh khi đó hỏi vả mấy cái, cô Thủy đáp "vả 10 cái”.
Cô Thủy thuật lại, hôm 19/11, sau tiết 1 của lớp 6/2, học sinh phản ánh bạn H nói tục và sau tiết 3 các em nói có thêm bạn N chửi bạn A. Giáo viên này xách cặp ra khỏi lớp, nói để xử lý sau. Sang tới lớp khác, cô nghe thấy tiếng ồn nên quay lại lớp 6/2 thì thấy một số học sinh tát vào mặt em N.
"Trong lúc tôi bước vào thì em N chửi bậy. Lúc đó, tôi đứng sát em N nên có đưa tay hất vào má em N rồi nói "bây giờ em thêm tội nói tục nữa à". Em N không nói gì. Tôi nói với các học sinh là "lúc nãy cô nói cuối giờ mới xử lý chuyện bạn N, sao các em lại đánh bạn"? Các em giải tán để cuối giờ cô giải quyết, rồi tôi đi dạy lớp khác", nguồn trên dẫn lời cô Thủy.
Chia sẻ với Tuổi trẻ, cô Thủy nhận mình đã sai khi áp dụng hình thức phạt tát, song giáo viên này cho rằng cũng do áp lực thi đua và "đây là cách để răn đe".
Nguồn: Thời đại