Liên quan đến ngọn đồi trồng sầu riêng - nơi xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 4 người chết ở đèo Bảo Lộc, một lãnh đạo UBND thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) ngày 31/7 cho biết, vườn sầu riêng thuộc sở hữu của bà Đ.T.L (trú thị trấn Đạ M’ri).

1 Vu Sat Lo Lam 4 Nguoi Chet O Bao Loc Chu So Huu Doi Sau Rieng La Ai

Khu vực sạt lở chủ yếu từ đồi sầu riêng xuống quốc lộ 20

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Đạ M’ri, bà Đ.T.L đã sinh sống tại khu vực này mấy chục năm nay, khai hoang khu vực trên từ năm 1985 để trồng cà phê, mít, bơ, gần đây cải tạo trồng sầu riêng.

Toàn bộ khu đất này đã được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng (đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương).

Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất trồng sầu riêng khoảng 1ha với tuổi đời cây khoảng từ 3-4 năm tuổi, xung quanh là rừng tự nhiên bao bọc.

Liên quan vụ sạt lở kể trên, chiều tối 31/7, UBND tỉnh Lâm Đồng phát thông cáo báo chí, cho biết: khoảng 14h30 ngày 30/7 do mưa lớn liên tục, gây sạt lở mái taluy dương tại Km103+100 (khu vực có đồi sầu riêng), Quốc lộ 20 với khối lượng đất đá sạt lở rất lớn (chiều dài sạt lở khoảng 50m, cao 3m). Vụ sạt lở làm vùi lấp 1 trụ sở trạm cảnh sát giao thông nằm giữa đèo Bảo Lộc, vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 3 xe ô tô; chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc.

Do vẫn đang trong quá trình khắc phục và kiểm tra, để xử lý các điểm có nguy cơ sạt trượt nên các phương tiện không thể lưu thông qua đèo Bảo Lộc cho đến khi có thông báo của cơ quan chức năng. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông từ xa cho các phương tiện đến và ra khỏi địa bàn tỉnh.

Theo đó, hướng từ TP.HCM đi Đà Lạt, các phương tiện di chuyển theo hướng đường Tỉnh lộ 721 qua huyện Đạ Tẻh và Tỉnh lộ 725 qua huyện Bảo Lâm đến ngã ba Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc lên TP.Đà Lạt. Nếu các phương tiện di chuyển theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thì qua Quốc lộ 28B lên Đà Lạt.

Với hướng từ Đà Lạt đi TP.HCM, các phương tiện di chuyển từ Đà Lạt đến ngã ba Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc rẽ phải đi huyện Bảo Lâm qua đèo Con Ó qua huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai (thông qua Tỉnh lộ 721) rẽ phải đi TP.HCM.

Ngoài ra, các phương tiện có thể di chuyển từ Đà Lạt đến huyện Đức Trọng rẽ qua Quốc lộ 28B và đi TP.HCM; hoặc từ Đà Lạt đến huyện Di Linh rẽ qua Quốc lộ 28 đi về TP.HCM.

Dư luận không hài lòng với những câu trả lời chung chung của những người có trách nhiệm tại tỉnh Lâm Đồng. “Qua vụ này chúng ta thấy tác hại của việc phá rừng chưa, đồi trọc không có tầng thực bì để giữ đất, rễ liên kết trên tầng đất mặt và giảm tốc độ chảy của nước tránh xói mòn kết quả như hình”, một độc giả báo Tuổi Trẻ viết.

Nhiều người trên mạng xã hội cũng bày tỏ ý kiến, đa số nghiêng về nguyên nhân phá rừng, và đề nghị chính quyền Lâm Đồng phải tìm ra người sở hữu vùng đồi này. Từ đó tìm ra người đã ký giấy cho phép phá rừng trồng sầu riêng trên đó. Chủ tài khoản Tu Ky viết:

“Đồi sầu riêng lớn như thế thì không thể làm chui được mà phải có giấy phép. Người làm và người ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vụ sạt lở này”.

Báo Tuổi Trẻ dựa vào một nguồn tin khác cho biết, toàn bộ diện tích trồng sầu riêng phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc là đất lâm nghiệp, do người đàn ông tên Bi (chưa rõ nhân thân) cư trú trong miếu Ba Cô trồng từ năm 2019.

Nhân vật Bi này hiện chưa xuất hiện, nên không rõ ông ta chỉ là người làm công hay là chủ nhân ngọn đồi sầu riêng này.

Ngày 30 Tháng Bảy, có mặt tại hiện trường, ông Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng cũng đã chỉ đạo chính quyền Lâm Đồng mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân vụ sạt lở. Đồng thời, đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài.

Dư luận đang chờ xem các chuyên gia địa chất nói gì về vụ này.

An Phú (Báo TIỀN PHONG)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC