Theo các chuyên gia với số tiền 7,5 tỷ đồng dùng để bôi trơn cho bác sĩ trong vụ việc thuốc chữa ung thư dởm của công ty VN Pharma sẽ rất khó để biết được số tiền này “về túi ai”.

Vụ việc thuốc chữa ung thư dởm được công ty dược lớn nhất Việt Nam VN Pharma nhập về để “hô biến” thành thuốc chữa ung thư đang được xét xử tại TP.HCM gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt khi Ngô Anh Quốc - Phó Tổng giám đốc của VN Pharma đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để họ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc VN Pharma nhập khẩu.

Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cấp thuốc. Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng với số tiền này 7,5 tỷ đồng ấy được bổ vào đâu nếu như không phải chính vào giá thuốc.

Vụ thuốc ung thư dởm: 7,5 tỷ đồng hoa hồng cho bác sĩ có đòi lại được không? - 0

Có thể, các bác sĩ không biết đó là thuốc dởm. Nhưng chỉ cần việc nhận hoa hồng để kê đơn đúng loại thuốc của VN Pharma.

Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, vụ việc thuốc chữa ung thư dỏm ở VN Pharma như một báo động đỏ về “y đức”. Giáo sư Khải cho rằng đã đến lúc y đức của người làm về chữa bệnh cứu người cần làm cho rõ.

Ở thế hệ ngày xưa, bác sĩ làm tất cả vì người bệnh nhưng đến nay thì điều đó không còn được như xưa mà đã bị thương mại hoá đi ít nhiều.

GS Khải cho biết, vấn đề về dược phẩm rất khó nói dù ai cũng biết. Tuy nhiên, GS Khải cho rằng rõ ràng ai cũng biết thuốc nhập về được là do Cục Quản lý Dược Bộ Y tế và chắc chắn Cục Quản lý dược phải có trách nhiệm khi để những thuốc này có thể an toàn về Việt Nam.

Theo GS Khải, việc bác sĩ có nhận hoa hồng của các hãng dược phẩm là có nhưng nó như “áo gấm đi đêm”. Không có bác sĩ nào nhận tiền hoa hồng mà lại có giấy biên nhận là đã nhận tiền. Khi điều tra mọi giấy tờ đều không có vì thế chẳng có bằng chứng nào để biết rằng ai đã nhận số tiền này, ai chưa nhận và trách nhiệm này của bác sĩ nào.

GS Khải cho biết:

"Trong một số trường hợp chưa chắc bác sĩ đã được nhận 7,5 tỷ đồng này mà có thể là các cấp trên nhận. Tuy nhiên, dù ai nhận để lưu hành thứ thuốc giả ảnh hưởng tới sức khoẻ người bệnh cũng không thể chấp nhận được, đó là tội ác của ngành y dược."

Một giáo sư đầu ngành khác ở Hà Nội cũng tỏ ra phẫn nộ khi thấy việc bác sĩ nhận hoa hồng của hãng dược để đè gánh nặng chi phí điều trị, thuốc men lên bệnh nhân.

Vụ thuốc ung thư dởm: 7,5 tỷ đồng hoa hồng cho bác sĩ có đòi lại được không? - 0

Vị giáo sư này tâm sự: “Ở thế hệ chúng tôi, chúng tôi có cảm giác như mang ơn người bệnh vì nhờ họ mà chúng tôi được làm việc. Còn thời nay, tôi phải nói thẳng có nhiều bác sĩ thấy người bệnh là như thấy “con mồi” đang đến với mình”.

Trước sự việc thuốc trị bệnh ung thư giả, vị giáo sư này thở dài “7,5 tỷ đồng là số tiền mà người ta khai, còn thực tế có thể còn nhiều hơn nữa mà không phải chỉ riêng bác sĩ kê đơn nhận mà có lẽ còn nhiều người nữa nhận nó”.

Đây không phải là lần đầu tiên nghi án “bôi trơn” được thực hiện trong ngành y Việt Nam.

Năm 2014, dư luận quốc tế và Việt Nam giật mình trước nghi án Bio-Rad hối lộ quan chức ngành y tế Việt Nam 2,2 triệu USD để có được các hợp đồng mua bán sản phẩm của hãng này. Ngay sau thông tin này, Bộ Y tế đã nhanh chóng yêu cầu các đơn vị báo cáo và gửi các thông tin cho Bộ Công an điều tra làm rõ. Và đã có 30 đơn vị thừa nhận có mua sản phẩm của công ty Bio-Rad. 

Tuy nhiên, sau 3 năm câu chuyện về Bio – Rad như bát nước nguội dần và đến nay người ta cũng chẳng biết số tiền 2,2 triệu USD đi về đâu. Vì thế, các chuyên gia đều cho rằng rất khó để có được kết quả số tiền vụ việc hoa hồng của VN Pharma. 

 

Nguồn: INFONET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC