Ở xã Nhân Cơ, một cái sân tennis đã được xây lên để quan xã hàng ngày có sân chơi, vậy nhưng được xem như tiêu chí “nông thôn mới”.
Câu chuyện xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông) xây sân tennis trong khuôn viên ủy ban làm nóng mạng xã hội và các diễn đàn ngày hôm qua.
Ông Lê Quang Trường – Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, ông xác nhận sân xây dựng với giá hơn 550 triệu đồng.
Nguồn tiền để xây dựng sân do các các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ và một phần là tiền lãnh đạo xã vay ngân hàng.
Ông Trường cũng xác nhận, thành phần tham gia chơi hiện chỉ có ông, ông Lâm Trí Hy (Bí thư Đảng ủy xã) và ông Nguyễn Văn Thành (Phó chủ tịch UBND xã). Ông Trường cho biết, sân xây là phục vụ nhu cầu thể thao của cán bộ xã và bà con trong vùng. Sau khi sân xây dựng thì các doanh nghiệp trên địa đến tham gia, giao lưu, lãnh đạo huyện, tỉnh thi thoảng cũng về chơi.
Ảnh minh họa
“Sân xây là phục vụ chung, bà con ai muốn đến chơi đều được. Nếu ai chưa biết chơi thì chúng tôi hướng dẫn. Chúng tôi chỉ thu khoảng 200 ngàn đồng/người để trả tiền nước, mua bóng…” – ông Trường thông tin.
Nếu quả thực như lời ông Trường nói thì có lẽ người dân ở xã Nhân Cơ nên cảm phục tấm lòng của các lãnh đạo xã này khi quyết tâm đứng ra vay ngân hàng để xây sân phục vụ cho bà con được vào chơi tennis và phổ cập môn thể thao này ra khắp vùng.
Nhưng e rằng với mức thu 200 ngàn/người, chắc khó có người dân nông thôn nào đủ giàu có để ngày nào cũng đến vui chơi thể thao cùng với các lãnh đạo để được tiếng là “gần cán bộ” hay chính xác hơn là để cán bộ được tiếng là gần dân.
Và cuối cùng, cái sân tennis trị giá hơn nửa tỷ này, cũng chỉ có chủ tịch xã, bí thư xã và phó chủ tịch xã vào chơi mà thôi. Ngoài mấy vị kể trên, các cán bộ bình thường trong UBND xã còn không có điều kiện và thời gian để chơi môn tennis sau giờ làm việc thì người dân làm gì “có cửa”?
Điều khôi hài ở chỗ, một công trình được đầu tư lớn như thế lại chỉ nhằm phục vụ cho một vài cá nhân rất ít ỏi, nói thẳng là các lãnh đạo cao cấp nhất của xã, song lại được tính vào chỉ tiêu… xây dựng xã nông thôn mới. Còn riêng xã Nhân Cơ, mấy năm nay số thuế thu về để nộp vào ngân sách đều không đủ.
Trên mạng xã hội, có ý kiến bình luận hài hước rằng, trong câu chuyện xã Nhân Cơ xây dựng sân tennis chỉ để phục vụ có 3 lãnh đạo chơi này, lỗi thuộc về người dân trong xã. Họ có lỗi bởi họ tối ngày chỉ lo đi cày cuốc làm ăn, kiếm hạt thóc củ khoai, củ mì. Sao họ không bớt chút thời gian để cuối chiều tung tẩy vác vợt tennis vào sân mà chơi, để khỏi mang tiếng cho lãnh đạo là xây sân tennis chỉ phục vụ cho mình?
Một câu chuyện thứ 2 cũng gây xôn xao không kém.
Đó là việc UBND TP Cần Thơ vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử trong đó quy định, cả nam và nữ là công chức, viên chức không được mặc quần jean, áo thun các loại đi làm.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ cho rằng có tham khảo TP.HCM, Hà Nội thấy không cho mặc quần jeans. "Quần jeans xanh là cấm tuyệt đối, cán bộ, công chức mặc quần jeans đến công sở thấy kỳ kỳ"- ông Ba nói trên báo.
Người thì cho rằng quy định này tào lao, có ai vì cái quần jean (quần bò) mà hiệu suất công việc bị ảnh hưởng đâu. Người lại ủng hộ, yêu cầu công chức phải mặc quần âu đứng đắn, không nên mặc quần jean áo thun.
Tuy nhiên dù tranh luận rất gay gắt thì nhiều ý kiến vẫn đồng tình ở một điểm, thái độ với công việc, thái độ khi tiếp xúc với người dân của công chức, viên chức vẫn là quan trọng nhất, và điều đó không phụ thuộc vào quần âu hay quần jean.
Thêm một tin vui cho quý bạn đọc, dù chưa biết là con số này có đáng tin hay không, tin được đến đâu nhưng vẫn là tin vui.
Ấy là hôm qua, thanh tra Chính phủ vừa công bố, năm 2016, trong hơn 1,1 triệu người phải kê khai thu nhập và tài sản chỉ có 3 người không trung thực.
Nếu tỷ lệ trung thực cao chót vót đến thế, thì đương nhiên chúng ta cũng nên ăn mừng và chúc mừng cho nhau đi thôi, thưa các quý bạn đọc thân mến.
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt